Vụ HT 2017 toàn huyện Yên Thành (Nghệ An) đã gieo cấy 12.500ha, lúa đang thời kỳ hồi xanh đến đẻ nhánh. Rầy nâu, rầy lưng trắng đã phát sinh gây hại và có chiều hướng gia tăng mật độ và lây lan trên diện rộng.
Hiện có hơn 700ha nhiễm rầy, trong đó có 20ha nhiễm nặng, với mật độ phổ biến từ 50 - 100 con/m2, nơi cao 100 - 1.500 con/m2, cục bộ 2.000 - 3.000 con/m2. Tập trung ở các xã như Tân Thành, Khánh Thành, Phú Thành, Nhân Thành…
Rầy gây hại đầu vụ |
Để chủ động phòng trừ kịp thời, có hiệu quả và không để rầy lây lan gây hại trên diện rộng, đồng thời ngăn ngừa bột phát mật độ trong thời gian tới, UBND huyện Yên Thành đã ra công văn chỉ đạo kịp thời, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát đồng ruộng, phân trà lúa cụ thể cho từng vùng, từng xứ đồng để có biện pháp chăm sóc và phòng trừ kịp thời.
Đồng thời yêu cầu các địa phương phối hợp chặt chẽ với cán bộ kỹ thuật phụ trách để điều tra phát hiện, dự tính dự báo và xác định chính xác những diện tích có mật độ rầy cao, có khả năng ảnh hưởng lớn đến sinh trưởng, phát triển của lúa để khuyến cáo, hướng dẫn người dân tổ chức phun phòng trừ.
Do thời tiết đang diễn biến phức tạp, nắng nóng và mưa nhiều, với điều kiện nóng ẩm, các loài rầy rất dễ phát sinh và bùng phát. Tuy nhiên cây lúa đang giai đoạn đầu vụ, chỉ nên phun nếu mật độ vượt ngưỡng gây hại kinh tế, bằng các loại thuốc có tính chọn lọc cao, ít ảnh hưởng đến các loài thiên địch trên ruộng lúa.
Khuyến cáo phun trừ trên những diện tích có mật độ rầy cao, có khả năng ảnh hưởng lớn đến sinh trưởng, phát triển của lúa, trên diện tích có mật độ rầy 1.000 con/m2 trở lên bằng các loại thuốc có tính chọn lọc như Thiamethoxam (Actara 25WG…), Pymetrozine (Chess 50WG…), Acetamipride (Sutin 50SC…), Dinotefuran (Oshin 20WP…).
Cần chú ý đến hiện tượng gối lứa, vì đợt bùng phát rầy đầu vụ năm nay, chủ yếu diễn ra tại các xã nhiễm rầy cuối vụ ĐX vừa qua. Do đặc thù các vùng trũng, nông dân phải gieo mạ trước lúc gặt, cấy sớm ngay sau khi thu hoạch lúa xong để kịp chạy lũ ngập vào mùa mưa cuối vụ HT, đây là điều kiện thuận lợi để rầy chuyển tiếp vụ và phát sinh gây hại.
Trong trường hợp mật độ dưới 1.000 con/m2, nếu điều tra thấy nhiều rầy chửa (bụng to béo, di chuyển chậm) và trên bẹ lá lúa có nhiều vết rách thâm nhỏ chưa khô (ổ trứng rầy). Hoặc nhiều rầy cánh ngắn (đặc trưng gây hại) thì nên phòng trừ vì nguy cơ bùng phát dịch cao.
Viết bình luận