Rộn ràng Lễ hội Xoài Ðồng Tháp

Là địa phương có diện tích xoài hơn 14.000 ha, sản lượng 140.000 tấn/năm, Ðồng Tháp đã và đang triển khai nhiều giải pháp để nâng tầm thương hiệu xoài, trong đó có việc tổ chức lễ hội xoài.

Nằm trải dọc theo sông Tiền và sông Hậu màu mỡ phù sa, người trồng xoài có kinh nghiệm và kỹ thuật canh tác lâu đời nên chất lượng trái xoài thành phẩm Ðồng Tháp ít nơi nào sánh bằng. Trong đó, 2 giống chính và chủ lực là xoài cát chu Cao Lãnh và xoài cát Hòa Lộc thì chất lượng… trên cả tuyệt vời. Vì thế, cây xoài được tỉnh Ðồng Tháp chọn là 1 trong 5 loại cây trồng chủ lực trong thực hiện Ðề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh.

Bao trái cho xoài Ðồng Tháp. Ảnh Trần Ngọc
Bao trái cho xoài Ðồng Tháp

Từ "cây xoài nhà tôi" đến xuất khẩu xoài sang Âu, Mỹ

Năm 2013, Đồng Tháp được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH-CN) chứng nhận nhãn hiệu "Xoài Cát Chu Cao Lãnh" và "Xoài Cao Lãnh". Ðể quảng bá và nâng cao thương hiệu xoài Ðồng Tháp, năm 2016 tỉnh Ðồng Tháp cho ra mô hình "Cây xoài nhà tôi" tại xã Mỹ Xương, H.Cao Lãnh, nhằm mang trái xoài đặc sản của địa phương đến với người tiêu dùng mọi miền đất nước. Đồng thời, giúp cho nông dân trồng xoài giảm rủi ro về đầu ra, tăng thêm thu nhập.

Khi thực hiện mô hình "Cây xoài nhà tôi", nông dân trồng xoài phải chọn cây xoài đảm bảo các tiêu chí như cây trồng theo tiêu chuẩn VietGap, GlobalGap, cây to khỏe, gần đường lớn, người canh tác chuẩn, điều kiện vệ sinh tốt, sản lượng cây xoài cao. Khách hàng mọi miền đất nước có thể đặt mua xoài của "Cây xoài nhà tôi" với giá từ 3 - 5 triệu đồng/cây/năm tùy theo chủng loại. Khách có thể nắm được thông tin và hình ảnh liên quan đến chiều cao, đường kính tán, năm tuổi, năng suất bình quân, chủng loại… thông qua mạng internet. Khi xoài thu hoạch, chủ vườn sẽ gửi sản phẩm đến tận nhà cho khách. Qua mô hình này, khách hàng khắp nơi đã đặt mua xoài của tỉnh Đồng Tháp, góp phần giúp danh tiếng xoài Cao Lãnh vươn xa hơn.

Đến năm 2019, lần đầu tiên xoài Đồng Tháp được xuất khẩu sang thị trường Mỹ, mở ra tiềm năng và cơ hội lớn cho loại trái cây này của tỉnh nói riêng và Việt Nam nói chung thâm nhập thị trường khó tính. Chưa dừng lại, năm 2021 Đồng Tháp đã được cấp bảo hộ chỉ dẫn địa lý Cao Lãnh cho sản phẩm xoài tươi, vùng trồng mang chỉ dẫn địa lý tập trung ở địa bàn H.Cao Lãnh và TP.Cao Lãnh, tạo cơ hội để trái xoài Đồng Tháp có thêm danh tiếng trên thị trường trong và ngoài nước.

Tiếp đà vươn xa, năm 2022 tỉnh tiếp tục xuất khẩu lô xoài cát chu Cao Lãnh sang thị trường châu Âu, cho thấy nỗ lực của Đồng Tháp trong nâng tầm thương hiệu cho trái xoài Cao Lãnh.

Ông Nguyễn Văn Vũ Minh, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Đồng Tháp, cho biết: "Năm 2022, ngành hàng xoài của tỉnh Đồng Tháp đạt giá trị khoảng 2.864 tỉ đồng, với sản lượng 138.000 tấn. Đến nay, tỉnh có 296 vùng trồng xoài với diện tích 8.138 ha được cấp mã số vùng trồng phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu sang các thị trường như: Trung Quốc, Úc, Mỹ, New Zealand, Hàn Quốc, Nhật Bản, EU, Nga, Singapore... Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ phát triển ngành hàng xoài theo 3 hướng: phát triển nâng cao chất lượng xoài thương phẩm; khai thác giá trị tiềm năng về du lịch thông qua sự phát triển ngành hàng xoài; và phát triển thông qua công nghiệp chế biến nâng cao giá trị trái xoài để tăng cường sức cạnh tranh và khẳng định ngành hàng xoài ngày càng có giá trị tốt hơn".

Du khách tham quan lễ hội xoài Cao Lãnh năm 2022
Du khách tham quan lễ hội xoài Cao Lãnh năm 2022

Tổ chức lễ hội để xoài Đồng Tháp vươn xa

Nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế của trái xoài, người dân tỉnh Đồng Tháp đã khai thác thế mạnh của trái xoài để chế biến thành các món ăn, thức uống như: xoài sấy dẻo, bánh xoài, bánh tráng xoài, rượu xoài, kẹo xoài, kem xoài, gỏi xoài... trong đó có nhiều sản phẩm khởi nghiệp đạt chứng nhận OCOP từ 3 đến 4 sao, tạo nên nét ẩm thực đa dạng, phong phú từ trái xoài. Năm 2022, để góp phần quảng bá xoài Cao Lãnh, giá trị trái xoài mang lại cho cộng đồng, lễ hội xoài Cao Lãnh được UBND H.Cao Lãnh và TP.Cao Lãnh phối hợp tổ chức quy mô cấp huyện với nhiều hoạt động thú vị, như trưng bày, giới thiệu thương hiệu "Xoài Cao Lãnh", giới thiệu sản phẩm "Cây xoài nhà tôi" và các cây xoài giống, sản phẩm từ xoài; khu trưng bày, giới thiệu sản phẩm OCOP từ xoài và sản phẩm đặc trưng của các địa phương trong tỉnh; thi các món ngon từ xoài; tham quan trải nghiệm các vườn xoài; tôn vinh nông dân - nghệ nhân ngành hàng xoài… Qua lễ hội, người dân địa phương và du khách thêm yêu thích trái xoài Đồng Tháp.

Năm 2023, tỉnh Đồng Tháp quyết định tổ chức lễ hội xoài Đồng Tháp đúng vào dịp lễ 30.4 khi mùa xoài đang vào thời điểm chính vụ và nâng tầm lễ hội lên quy mô cấp tỉnh. Lễ hội xoài Ðồng Tháp còn có nhiều hoạt động như: hội thi trái xoài ngon, thi tạo hình, trình bày mâm quả đẹp từ xoài; tổ chức không gian triển lãm thực tế ảo "vương quốc xoài Ðồng Tháp"; không gian triển lãm chuỗi ngành hàng xoài; tổ chức kết nối giao thương sản phẩm xoài; hội thảo "Nâng cao giá trị và phát triển bền vững ngành hàng xoài". Cùng với đó là các hoạt động văn hóa, du lịch như: thi vẽ tranh thiếu nhi trên lá sen với chủ đề mùa xoài quê em; hội thi ảnh đẹp từ xoài; tổ chức tham quan các điểm vườn xoài; lễ hội đường phố và hội thi ẩm thực từ xoài...

Ông Nguyễn Phước Thiện, Phó chủ tịch UBND tỉnh Ðồng Tháp, cho biết: "Lễ hội xoài năm 2023 được tổ chức nhằm tiếp tục đẩy mạnh thương hiệu xoài Ðồng Tháp đến thị trường trong và ngoài nước. Qua đó, nhằm thể hiện sự quyết tâm của chính quyền, doanh nghiệp và nông dân trong việc nâng cao giá trị cho xoài Ðồng Tháp và hỗ trợ thúc đẩy sản xuất, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh theo tinh thần "kinh tế xanh - sen hồng bứt phá, chuyển đổi số - Ðồng Tháp tiên phong". Tạo điều kiện kết nối các doanh nghiệp, các nhà đầu tư trong lĩnh vực chế biến, xuất khẩu xoài, đưa sản phẩm của tỉnh đến với người tiêu dùng trong và ngoài nước. Lễ hội còn là dịp tỉnh giới thiệu hình ảnh, sản phẩm đặc trưng, văn hóa ẩm thực, món ăn dân gian của Ðồng Tháp đến với khách du lịch; thu hút sự chú ý của các nhà đầu tư, du khách trên lĩnh vực văn hóa - du lịch".

Viết bình luận