Sản xuất nông nghiệp từ những mảnh ruộng nhỏ - kinh nghiệm của Hàn Quốc

Nhìn tổng thể thì Hàn Quốc có diện tích tự nhiên và diện tích đất nông nghiệp nhỏ, chỉ có khoảng 100.000km2, phần lớn là đồi núi (70%) và sông ngòi, nên diện tích canh tác cây hàng năm chỉ chiếm khoảng 15,3%.

13-16-48_nh_1_-_nhn_sm
Thu hoạch nhân sâm ở Hàn Quốc

Hàn Quốc có khoảng 2,2% diện tích là cây lâu năm, diện tích rừng chiếm 63,9%. Trong đó Hàn Quốc có khoảng 50 triệu dân, mà diện tích chưa bằng 30% so với diện tích tự nhiên của Việt Nam...

Kể từ năm 1961, nền kinh tế của Hàn Quốc vẫn đang còn phụ thuộc chính vào nông nghiệp, GDP chỉ mới đạt được 100 USD/người. Thế mà lúc đó diện tích trồng lúa của Hàn Quốc cũng chỉ có 1.128.000ha, năng suất thu được 4.148kg thóc/ha.

Nhờ chính sách tự lực từ cường và đầy sáng tạo, nền công nghiệp Hàn Quốc ngày càng phát triển nhanh chóng, dần dần đã trở thành cơ sở vững chắc để giúp nông nghiệp phát triển bền vững. Diện tích trồng lúa đến năm 2012 chỉ còn lại 867.000ha (giảm 23% so với 1961), nhưng năng suất lúa tăng lên 6.420 kg/ha, và hiện nay năng suất lúa giữ ổn định ở mức 6.500 - 6.700 kg/ha.

Nhờ có công nghiệp phát triển mà diện tích chủ động tưới tiêu tăng lên, do đó việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi cũng rất thuận lợi. Hiện tại có khoảng 2 triệu người trồng lúa. Nếu tính bình quân một hộ cũng chỉ có khoảng 0,5 ha đất lúa.

Vì vậy khi tham quan vùng ngoại ô Seoul thì ta vẫn tìm thấy những ô ruộng nhỏ được bơm nước để cấy lúa quanh nhà không khác gì vùng trung du ở Việt Nam.

Có ít đất nông nghiệp như vậy, nhưng sản lượng lúa hàng năm cũng đạt khoảng 6 triệu tấn, bình quân đạt trên 100 kg thóc/đầu người, Hàn Quốc vẫn nhập gạo nhưng họ ưa chuộng gạo hạt tròn hơn gạo hạt dài của Việt Nam.

Thế mạnh nông nghiệp của họ là sữa, trứng, thịt các loại, rau quả và hàng thủy, hải sản. Dù nông nghiệp Hàn Quốc chỉ chiếm 2,5% GDP nhưng cũng đóng góp xứng đáng vào tổng thu nhập quốc doanh và làm cho GDP trên đầu người tăng lên đến 35.000USD (2014), đưa Hàn Quốc lên vị thế một nước có nền kinh tế phát triển đứng thứ 12 trên thế giới.

Câu hỏi được đặt ra là ở Hàn Quốc đất nông nghiệp rất ít và manh mún do bị chia cắt bởi đồi núi, không thấy có các cánh đồng thẳng cánh có bay để trồng trọt và sử dụng cơ giới lớn như ở các nước phương tây, hoặc ít ra là như Campuchia, Myanmar hay ĐBSCL của Việt Nam.

Nhưng hàng hóa nông, lâm, thủy hải sản của họ vẫn xuất khẩu với giá trị lớn đến nhiều quốc gia. Khi tìm hiểu mới thấy, điểm cốt yếu là tổ chức sản xuất.

Theo số liệu của Đại Sứ quán Việt Nam tại Hàn Quốc thì ở Hàn Quốc có khỏang 10.000 HTX chuyên cây và con và cũng có khoảng 10.000 HTX theo vùng lãnh thổ.

Từng HTX được tổ chức theo chu trình khép kín từ sản xuất đến chế biến và tổ chức tiêu thụ hay hợp tác với các công ty tư nhân hoặc công ty nhà nước để họ tiêu thụ thông qua hợp đồng thu mua sản phẩm ổn định. Ngân hàng tín dụng đều làm việc sát cánh với các HTX, có chính sách phù hợp. Vì vậy không có hiện tượng thiếu vốn để sản xuất.

Các thành viên HTX góp ruộng đất và làm việc theo gói kỹ thuật, hưởng lương của HTX. Các công đoạn sản xuất như làm đất, gieo trồng, chăm sóc, thu hoạch, chế biến, bảo quản đều được thực hiện bằng máy.

Đất lúa vẫn là những ô thửa, diện tích tùy theo địa hình của đất có kích thước to nhỏ khác nhau, vẫn phải đắp bờ để giữ nước. Sử dụng máy móc vừa và nhỏ phù hợp với kích cỡ của ruộng. Có những ô ruộng kích thước chỉ 400-500m2, vẫn sử dụng máy cấy. Làm đất xong thì các khay mạ được chuyển đến, xếp sẵn quanh ruộng để máy làm việc.

Tham quan cánh đồng lúa chỉ thấy máy cấy làm việc, không thấy bóng người để gieo cấy bằng tay. Với HTX chuyên cây đặc sản như sâm mang thương hiệu quốc gia Hàn Quốc. Cả nước có 11 tổ hợp trồng sâm, có diện tích khoảng trên 3.000ha. Tổ hợp sâm nhỏ mà chúng tôi đến thăm cũng có diện tích 264ha.

Được biết trồng sâm có lời cao, cứ 3,3 m2 sâm trong 6 năm phải đầu tư 50.000 Won tiền vốn (giá trị 1 won bằng 20 lần tiền Việt), bán được 120.000 Won, lời 70.000 Won. Vì vậy lương công nhân trồng sâm rất cao.

Hay một cơ sở trồng linh chi tư nhân, chủ trại có 30 nhà trồng nấm (dạng nhà vòm), thuê nhân công Việt Nam, mỗi công nhân được trả lương trên 100 USD/ngày. Điều kiện làm việc không nặng nhọc. Thế mới biết là ở Quảng Trị có những làng người trẻ đua nhau đi xuất khẩu lao động ở Hàn Quốc và Nhật, mỗi tháng gửi về 20 - 30 triệu đồng là sự thật.

Thời gian chúng tôi tham quan có nhiệt độ ấm áp, nhưng trên đồng ruộng các loại rau, hoa đều được trồng trong nhà vòm, còn các loại hoa màu như ngô, khoai lang đều được trồng theo kiểu phủ luống bằng chất liệu màu đen, không có loại cây nào mà không được phủ luống.

Vậy là dù ruộng đất manh mún, nhưng biết tổ chức tốt, có chính sách phù hợp, áp dụng nhuần nhuyễn KHKT, lại được trang bị cơ giới đồng bộ, người lao động có ý thức cao là những yếu tố quyết định để có sản phẩm nông nghiệp hàng hóa an toàn dùng cho xuất khẩu hay tiêu thụ nội địa đều không có gì trở ngại.

Viết bình luận