Trong những năm gần đây, mô hình sản xuất theo quy trình VietGap được xây dựng tại một số huyện đã mở ra cơ hội mới nâng giá trị các cây trồng truyền thống cũng như các giống cây mới ở Hải Dương.
Sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP giúp người trồng vải nâng cao sản lượng, giá trị sản phẩm – Ảnh: VGP/Thanh An |
Quy trình nghiêm ngặt
Trong những ngày đầu năm này, về thăm vùng thâm canh ổi, cam ở các huyện Thanh Hà, Ninh Giang, Kinh Môn, Chí Linh, nhiều người sẽ cảm thấy ngỡ ngàng trước sự đổi thay của bộ mặt nông thôn nơi đây. Nhiều ngôi nhà khang trang mọc lên trên những vùng quê này là nhờ thu nhập từ những vườn cam, vườn ổi. Đây là hai giống tuy chưa được trồng phổ biến lâu đời nhưng đang dần trở thành cây trồng được người dân ưa chuộng bởi giá trị kinh tế do những vườn cam, vườn ổi mang lại.
Cây ổi đã bén rễ, mang lại cuộc sống ấm no, đủ đầy cho nhiều hộ dân xã Hiệp Lực (Ninh Giang). Do đó, người dân nơi đây luôn mong muốn thâm canh bền vững, ổn định loại cây này thay vì làm theo kinh nghiệm như trước đây. Vì thế, đầu năm 2016, khi tỉnh triển khai xây dựng vùng ổi sản xuất theo quy trình VietGAP tại địa phương thì ai nấy đều phấn khởi, hào hứng.
Ông Nguyễn Văn Thỏa ở thôn Hiệp Thọ trồng ổi đã 8 năm nay, thu lãi gấp gần 5 lần so với trồng lúa nhưng gia đình ông không dám mở rộng quy mô vì lo ngại đầu ra bấp bênh. “Khi nghe thông tin địa phương sẽ được lựa chọn trồng ổi theo tiêu chuẩn VietGAP, tôi vô cùng phấn khởi. Thông qua báo đài, tôi được biết đây là quy trình sản xuất khắt khe nhưng là điều kiện cần thiết để nâng cao chất lượng, giá thành sản phẩm. Ngay từ đầu năm, tôi đã nghiên cứu cách thức trồng ổi theo tiêu chuẩn VietGAP và áp dụng cho gần 1 mẫu ổi của gia đình. Mặc dù chăm sóc không quá khó nhưng đòi hỏi người trồng phải tuân thủ theo đúng quy định. Việc phun thuốc bảo vệ thực vật, bón phân phải ghi chép nhật ký tỉ mỉ, rõ ràng về thời gian, liều lượng sử dụng”, ông Thỏa cho biết.
Gia đình ông Thỏa là một trong số những hộ sản xuất theo quy trình VietGap thuộc mô hình do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hải Dương xây dựng tại xã Hiệp Lực từ năm 2016. Các mô hình sản xuất gồm: 50 ha ổi tại xã Liên Mạc (huyện Thanh Hà), xã Hiệp Lực (huyện Ninh Giang) và 20 ha cam tại xã Thất Hùng (huyện Kinh Môn), phường Bến Tắm (thị xã Chí Linh). Sở đã tổ chức nhiều lớp tập huấn và hỗ trợ nông dân mua thuốc bảo vệ thực vật, phát sổ ghi chép, sổ tay hướng dẫn, hướng dẫn triển khai từng công việc. Các vùng được lựa chọn triển khai dự án đáp ứng các yêu cầu về vùng sản xuất an toàn được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định như xa khu dân cư, bệnh viện, khu chăn nuôi tập trung, khu công nghiệp; đất và nước phục vụ sản xuất không bị ô nhiễm. Bên cạnh đó, người dân vốn có trình độ thâm canh tốt, có ý thức hợp tác, thực hiện các yêu cầu để đảm bảo sản xuất ra sản phẩm an toàn. Nhờ vậy nên dự án triển khai khá thành công.
Sở đã phối hợp với Công ty Cổ phần Chứng nhận và Giám định IQC để thực hiện quy trình đánh giá, giám sát, cấp giấy chứng nhận VietGAP cho sản phẩm cam và ổi của các mô hình sản xuất nông nghiệp tập trung này. Trong tổng số 70 ha, có 67,15 ha đã được cấp giấy chứng nhận (đạt 96%) gồm 1 giấy chứng nhận cho 27,586 ha ổi của xã Liên Mạc; 1 giấy chứng nhận cho 19,565 ha ổi của xã Hiệp Lực; 1 giấy chứng nhận cho 25 ha cam của xã Thất Hùng; 1 giấy chứng nhận cho 5 ha cam của phường Bến Tắm. Tổng số hộ nông dân tham gia sản xuất là hơn 430.
Năm 2017, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hải Dương tiếp tục triển khai 55 ha ổi sản xuất tập trung tại xã Liên Mạc, 30 ha ổi tại xã Thanh Xuân (huyện Thanh Hà), 20 ha ổi sản xuất tập trung tại xã Hiệp Lực (huyện Ninh Giang), 10 ha cam tại xã Thất Hùng. Ngoài ra, ở nhiều nơi không thuộc mô hình nhưng người dân đã có ý thức sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP do những lợi ích thiết thực của cách sản xuất này mang lại.
Mô hình trồng cam theo tiêu chuẩn VietGAP được Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hải Dương triển khai cho hiệu quả cao – Ảnh: VGP/Thanh An |
Hiệu quả kinh tế cao
20 ha ổi của 800 hộ sản xuất theo quy trình VietGAP ở xã Hiệp Lực cho năng suất cao hơn bình thường tới 20%, giúp người dân nâng cao thu nhập mà lại dễ tiêu thụ sản phẩm. Anh Lê Văn Hậu, phụ trách khuyến nông của xã cho biết năng suất ổi VietGAP cao hơn, chất lượng bảo đảm hơn mà lại tiết kiệm được chi phí sản xuất nên xã khuyến khích người dân phát triển sản xuất theo hướng này.
Huyện Thanh Hà từ nhiều năm nay đã nổi tiếng với sản phẩm vải thiều, là nguồn thu nhập chính của nhiều gia đình. Song nhiều năm sản lượng, giá bán bấp bênh khiến nhiều người nản chí. Khi cây vải thiều được áp dụng quy trình sản xuất VietGAP, những nỗi lo lắng này của người dân giảm bớt, đồng thời mang lại cho họ thu nhập ổn định hơn hẳn. Xã Thanh Bính có 2 vùng vải VietGAP với diện tích 20 ha ở thôn Hạ Vĩnh và Phúc Giới. Vụ vải năm 2017, tuy thời tiết bất lợi, nhiều nơi bị mất mùa nhưng sản lượng và chất lượng vải ở đây vẫn cao hơn so với các vùng vải khác. Đó là do nông dân chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh theo đúng hướng dẫn quy trình kỹ thuật. Nhờ vậy, xã Thanh Bính đã liên kết được với Công ty TNHH Sản xuất dịch vụ thương mại Rồng Đỏ thu mua khoảng 30 tấn vải ở vùng VietGAP để xuất khẩu sang các nước Châu Âu, Australia, Mỹ, Nhật Bản. Người dân bán được vải với giá con hơn thông thường từ 3.000 – 5.000 đồng/kg.
Chị Phạm Thị Hát ở thôn Thượng Chiểu, xã Tân Dân (huyện Kinh Môn) đã có nhiều năm phát triển mô hình kinh tế VAC, trồng cây ăn quả. Từ năm 2013, chị Hát trồng cam theo tiêu chuẩn VietGAP, đảm bảo chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm nên rất được thị trường ưa chuộng. Giữa tháng 1/2018 đang là thời điểm giữa vụ nhưng gia đình chị đã thu được gần 3 tấn cam vinh, lãi gần 100 triệu đồng. Chị Hát cho biết: “Trước đây chúng tôi vốn chỉ quen với cấy lúa và trồng một số cây ăn quả khác nhưng cho hiệu quả không cao, từ khi chuyển sang trồng cam đã đem lại thu nhập kinh tế cao cho gia đình. Cam được trồng theo tiêu chuẩn Vietgap, đảm bảo chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm nên khi được thu hoạch có rất nhiều khách về tận vườn đặt mua”. Từ hiệu quả kinh tế mang lại, chị Hát không ngần ngại trao đổi kiến thức, kinh nghiệm với mọi người. Nhiều người đã theo gương chị chuyển sang sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hải Dương, năm 2017, giá trị sản xuất cây ăn quả trong tỉnh đạt 167-190 triệu đồng/ha, tăng 20-30 triệu đồng/ha so với năm 2016. Giá trị sản xuất của cây ăn quả được nâng cao như vậy nhờ có sự đóng góp không nhỏ của diện tích sản xuất theo quy trình VietGAP gồm 8.000 ha, trong đó nhiều diện tích được bao tiêu từ đầu vụ, giá sản phẩm bán ra cao hơn thông thường. Đây sẽ là hướng rất khả quan để ngành nông nghiệp Hải Dương tiếp tục nâng cao giá trị sản xuất của cây trồng trong những năm tiếp theo.
Viết bình luận