Thái Nguyên: Trồng giống mít gì cổ xưa trên đất đồi, chưa ra trái đã được "ướm sẵn" bán trong siêu thị
Anh Phan Thanh Trọng là người đầu tiên trồng mít ta trên đất đồi ở xã Bình Sơn, TP Sông Công, tỉnh Thái Nguyên. Dự kiến khi thu hoạch, quả mít ta sẽ được chính quyền địa phương hỗ trợ đăng ký sản phẩm VietGAP và đưa vào tiêu thụ trong hệ thống siêu thị.
Anh Phan Thanh Trọng (xóm Bình Định 1, xã Bình Sơn, TP Sông Công, tỉnh Thái Nguyên) cho biết, trước đây anh chủ yếu trồng hoa, cây cảnh với diện tích lớn và mang lại hiệu quả kinh tế tương đối cao.
Bắt đầu từ năm 2020, sau khi đi tham quan mô hình trồng mít ở một số nơi thấy hiệu quả, anh Trọng quyết định thu hẹp diện tích trồng hoa, cây cảnh rồi sưu tầm hạt mít từ những quả mít ta ngon và mang lên đồi trồng.
Ban đầu, anh trồng mít ta trên diện tích 2,5ha vườn đồi của gia đình, sau đó phát triển số lượng và diện tích lớn dần lên. Đến nay, anh Trọng đã có 5ha mít ta được trồng trên đồi cao.
Nguồn vốn trồng mít ta ban đầu không nhiều do anh Trọng tự sưu tầm hạt từ những quả mít ngon, không phải mua giống.
Theo anh Trọng, việc trồng mít ta trên đất đồi gặp nhiều khó khăn hơn so với trồng dưới đất bằng phẳng. Trong đó, khó khăn nhất ở công đoạn tưới nước cho cây nên phải đầu tư hệ thống giàn tưới tự động.
Tuy nhiên vừa qua, gia đình anh đã được TP.Sông Công hỗ trợ một giàn tưới tiết kiệm với chi phí khoảng 15 triệu đồng.
Anh Trọng chia sẻ, mít ta được trồng từ hạt sẽ cho quả ngon, ngọt, thơm hơn, bền cây. Ngoài ra, mít ta hiện nay tương đối hiếm, nên anh lựa chọn trồng mít ta còn để bảo tồn giống mít này.
Bên cạnh đó, cây mít ta có ưu điểm không sợ nắng hạn nên chỉ cần tưới nước vào những thời điểm khô hanh dịp cuối năm hoặc những khi thời tiết nắng gắt.
Thông thường, mít chủ yếu bị bệnh sâu đục thân, do đó trong quá trình trồng phải chú ý các dấu hiệu của sâu bệnh để kịp thời phun thuốc trừ sâu. Mỗi năm, anh sẽ bón phân 1 lần cho cây để đảm bảo chất dinh dưỡng cho cây phát triển.
Nếu chăm sóc tốt, chỉ sau khoảng 5 năm là cây mít ta sẽ cho thu quả.
Anh Trọng cho biết thêm, định hướng lâu dài của anh là trồng mít sạch để đăng ký sản phẩm VietGAP, từ đó đưa quả vào tiêu thụ trong hệ thống các siêu thị. Do đó, anh chủ yếu chăm bón cây mít ta bằng phân hữu cơ.
Mục đích chính của anh khi trồng mít ta trên đồi trước tiên là để bán quả, sau là để thu hoạch gỗ vì gỗ mít tương đối giá trị.
Cùng với đó, anh dự định thời gian tới sẽ phát triển du lịch sinh thái trải nghiệm tại không gian rộng lớn của gia đình nhằm liên kết với khu du lịch sinh thái Hồ Ghềnh Chè trên địa bàn.
Hiện tổng diện tích vườn đồi của gia đình anh Trọng khoảng 20ha, trong đó có 5ha trồng mít ta, 10ha trồng keo đã được 5 năm, 1ha trồng hoa, cây cảnh và 3 hồ nuôi cá. Mới đây, anh Trọng còn trồng thêm 1ha cây thông trên đồi.
Còn hiện nay, nguồn thu nhập chính của gia đình anh Trọng vẫn là từ trồng hoa, cây cảnh vì đầu ra tương đối ổn định.
Bà Nghiêm Thị Bình – Phó Phòng Kinh tế TP.Sông Công cho biết, mô hình trồng mít ta trên đất đồi của gia đình anh Trọng là một trong những mô hình điểm của TP.Sông Công nên được quan tâm đầu tư và hỗ trợ về nhiều mặt.
Ngoài việc hỗ trợ về điểm tưới tiết kiệm trước đó, trong thời gian tới, Phòng Kinh tế định hướng sẽ có chương trình hỗ trợ thêm về phân bón hữu cơ để phát triển cây mít và các loại cây khác.
Về định hướng lâu dài, sau khi cây mít được thu hoạch quả, TP.Sông Công sẽ hỗ trợ để đăng ký sản phẩm VietGAP và tiến tới đưa sản phẩm vào hệ thống siêu thị.
Đây là một mô hình tiềm năng của địa phương, do đó trong thời gian tới, ngành nông nghiệp thành phố định hướng sẽ duy trì và phát triển diện tích lớn hơn tại hộ gia đình. Từ đó, sẽ đầu tư nơi đây thành khu du lịch trải nghiệm gắn với khu du lịch sinh thái hồ Ghềnh Chè.
Viết bình luận