Thanh Hóa: Cau tươi bán giá cao ngất, dân trồng cau mừng như trúng số, "liếc mắt" lên cây là có tiền triệu
Năm nay, giá cau tươi cao kỷ lục, mỗi kg cau bán tại vườn có giá lên tới 70.000 đồng, gấp đôi so với năm ngoái. Cau tươi tăng giá mạnh đã giúp nhiều hộ nông dân trồng cau xã Nga Liên, huyện Nga Sơn (tỉnh Thanh Hóa) bỏ túi hàng trăm triệu đồng.
Giá cau tươi cao chưa từng có, gần gấp đôi giá lợn hơi
Phóng viên báo có mặt tại xã Nga Liên - vùng trồng cau lớn nhất của huyện Nga Sơn (Thanh Hóa).
Toàn xã Nga Liên hiện có tích trồng loại cây đang hái ra tiền ở thời điểm này lên đến vài hàng trăm sào. Đi đến đâu, chúng tôi cũng nghe thấy bà con nông dân cười nói râm ran, bàn tán về giá cau, ai cũng mừng vì thu được một món tiền lớn từ bán cau tươi.
Theo những người trồng cau xã Nga Liên cho biết, ngày xưa, trồng cau chỉ lấy bóng mát và làm đẹp cảnh quan.
Nhưng khoảng hơn chục năm trở lại đây, cây cau đã mang lại thu nhập đáng kể. Đặc biệt, với giá cau tươi cao như một số năm gần đây, cây cau đã giúp người dân có thu nhập ổn định, thậm chí nhiều hộ đổi đời nhờ trồng cau.
Hiện giá cau tươi đang được thu mua ở mức 70.000- 75.000 đồng/kg, mức giá cao kỉ lục và gấp nhiều lần so với những năm trước.
Với mức giá này, trung bình mỗi cây cau đang khai thác mang về thu nhập từ 600 - 700 ngàn đồng, nhiều hộ có thể kiếm được vài trăm triệu đồng cho vụ cau năm nay nếu như trong vườn trồng hàng trăm cây cau.
Mấy ngày nay, gia đình ông Nguyễn Văn Công ở xóm 4, xã Nga Liên, huyện Nga Sơn mừng như trúng số. Bởi vườn cau 450 cây của nhà đang giúp gia đình ông hái ra tiền.
Vụ cau năm nay, ông Công ước tính thu về khoảng 250 triệu đồng.
Chia sẻ với Báo Dân Việt, ông Nguyễn Văn Công cho biết, ông đã trồng cau khoảng mấy chục năm nay, nhưng chưa có năm nào mà giá cau tươi lại cao như năm nay.
Hiện giá cau tươi đang được bán với giá 65.000 đồng/kg, có những thời điểm giá cau tăng đỉnh điểm lên đến 80.000 đồng/kg, nhưng không có hàng để bán.
Ông Công ví von, giá cau tươi hôm nay tăng cao gần gấp đôi giá lợn hơi. Mà cây cau không như con lợn, chẳng phải chăm bón gì nhiều...
"Nhiều cây cau sai quả, có thể cho tới 20 - 30kg quả/cây, tính bình quân mỗi gốc cau cho sản lượng 10 kg quả. Với 450 gốc cau thì chắc chắn vụ cau năm nay tôi thu về hơn 250 triệu đồng" - ông Công khẳng định.
Theo ông Công, cau bắt đầu cho thu hoạch quả từ đầu tháng 8 và kết thúc vào cuối tháng 12 âm lịch. Trung bình, cứ 15 ngày thương lái đến thu hoạch 1 đợt, mỗi đợt gia đình ông bán được từ vài tạ quả cau tươi.
Người trồng cau thắng đậm
Cách nhà ông Công không xa, gia đình ông Trần Duy Hưng cũng đang vui mừng vì có một món tiền lớn từ bán cau. Với 300 gốc cau đang ở thời kì thu hoạch, mỗi lần hái cau bán cho thương lái, ông Hưng thu về hàng chục triệu đồng.
Theo ông Hưng, chưa bao giờ, giá cau tươi lại tăng giá đột ngột như năm nay, cao gấp nhiều lần so với cùng kì năm ngoái. Thời gian qua, thương lái đua nhau về các vườn cau để thu mua, đặt cọc tiền với các nhà vườn…
"Nhà tôi có thâm niên trên 20 năm trồng cau, chủ yếu trồng xen trong vườn bờ ao, lối đi. Trước đây, tôi trồng chủ yếu để bán cau ăn trầu, làm tiệc cưới… nên được giá lắm cũng chỉ 20.000-30.000 đồng/kg, chưa kể có năm không bán được, phải bỏ ngoài vườn.
Vài năm trở lại đây, trên địa bàn huyện Nga Sơn mở đại lý thu mua và sơ chế cau tươi nên đầu ra ổn định. Giá cau cũng tăng đáng kể. Hiện cau đang có giá 70.000 đồng/kg, cao nhất từ trước đến nay" - ông Hưng nói.
Trao đổi với Báo Dân Việt, anh Nguyễn Văn Chính (ở xóm 1, xã Nga Liên, huyện Nga Sơn), chủ cơ sở chuyên thu mua, chế biến cau khô xuất sang thị trường Trung Quốc, cho hay, đây là năm đầu tiên cau tươi có giá cao như vậy.
"Tôi không trực tiếp thu mua nhà vườn mà còn nhập lại cau tươi của thương lái nhiều nơi. Hiện tôi đang nhập là 70.000 đồng/kg đối với cau cành, còn cau quả là 90.000 đồng/kg, mức giá cao nhất trong vòng 5 năm trở lại đây" - anh Chính thông tin thêm.
Theo anh Chính, anh bắt đầu thu mua cau từ tháng 8 đến tháng 12 (âm lịch), mỗi vụ thu mua hàng nghìn tấn cau tươi. Sau khi thu mua cau của người dân, cau sẽ tiếp tục được sơ chế thành cau khô, sau đó mới xuất bán đi Trung Quốc.
Mỗi ngày cơ sở của anh thu mua trên 40 tấn cau tươi từ nhiều mối khác nhau, trong đó khoảng 20 tấn là mua từ các hộ trồng cau ở địa bàn huyện Nga Sơn. Đây là vùng trồng cau có chất lượng cao, quả cau ở đây đẹp từ màu sắc đến chất lượng nên giá thu mua bao giờ cũng cao hơn.
Nói thêm về cây cau, ông Trần Văn Vinh, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Nga Liên (huyện Nga Sơn, tỉnh Thanh Hóa) cho biết, với một xã thuần nông vốn quen thuộc với trồng trọt, chăn nuôi như Nga Liên, khoảng vài năm nay cây cau đang mang lại nguồn thu chính của nhiều gia đình.
Theo ông Vinh, trước kia, bà con chủ yếu trồng để bán cau ăn trầu, làm tiệc cưới...nhưng khoảng chục năm đổ lại đây, đầu ra của cây câu ổn định hơn nên diện tích được mở rộng đáng kể.
Hiện toàn xã Nga Liên có khoảng 2000 hộ, nhưng có đến 1000 hộ trồng cau, hộ nào ít thì cũng vài chục cây còn hộ nhiều lên đến vài trăm cây.
"Cây cau không chỉ mang lại việc làm, thu nhập đáng kể cho người dân địa phương mà còn góp phần quan trọng trong việc tạo cảnh quan làng xóm, góp phần xây dựng Nga Liên thành điển hình nông thôn mới của toàn quốc..." - ông Vinh chia sẻ thêm.
Viết bình luận