Tỉnh Bình Thuận hiện có 220 ha thanh long sạch trồng theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP trên tổng số 27 ngàn ha.
Dù diện tích còn khiêm tốn, nhưng đây là hướng đi tất yếu và bền vững để nâng cao chất lượng và giá trị trái thanh long của địa phương.
Hiện nay, nhiều nông dân ở tỉnh Bình Thuận đã mạnh dạn đầu tư trồng thanh long sạch theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP. Ngoài hai trang trại lớn có tiếng là Hoàng Hậu và Rau quả Bình Thuận, còn có vài chục trang trại khác cũng đang đẩy mạnh trồng thanh long sạch.
Trồng thanh long giàn mô hình mới ứng dụng công nghệ cao |
Hầu hết, sản lượng làm ra đều xuất qua thị trường khó tính như New Zealand, Canada, Đức, Hàn Quốc, Nhật Bản... với giá ổn định trên dưới 30 ngàn đồng/kg. Đặc biệt, tháng 8 vừa qua, Australia đã chấp nhận cho thanh long Việt Nam nhập khẩu vào thị trường này.
Mô hình công nghệ cao
Điển hình là Trang trại Bình An ở thôn Thuận Minh, xã Thuận Quý, gồm 70 ha, trong đó 60 ha thanh long trồng giàn theo hướng ứng dụng công nghệ cao. Diện tích thanh long giàn này đã được 3 năm tuổi và bắt đầu cho thu hoạch.
Anh Dương Quốc Toàn, phụ trách cho biết, trồng thanh long giàn cho hiệu quả vượt bậc so với cách trồng truyền thống. Bởi không chỉ tận dụng được diện tích đất tối đa mà còn thuận lợi cho việc vệ sinh vườn, chăm sóc, thu hoạch trái và tiết kiệm nước tưới.
Theo cách truyền thống, thanh long trồng từng trụ bê tông riêng lẻ theo qui cách, trụ cách trụ 3m, hàng cách hàng 3m. Với mật độ này, trồng khoảng 1.000 trụ thanh long/ha. Trong khi đó, bằng cách trồng giàn thì khoảng cách giữa các trụ được rút ngắn còn 1,5m, ở giữa các trụ có thêm một trụ phụ bằng sắt hoặc tre. Một đường dây cáp dài nối các đầu trụ với nhau giúp cành thanh long leo thành giàn. Mỗi giàn cách nhau 3m. Theo kiểu này, có thể trồng từ 2.000-2.500 trụ thanh long/ha, tức mật độ tăng gấp 2 lần.
Đáng nói, thanh long giàn dễ cơ giới hóa trong sản xuất, hạn chế lao động như sử dụng máy cày để bón phân hữu cơ, máy cắt cỏ... đồng thời có thể trồng xen canh các cây trồng khác trên diện tích giữa các giàn. "Thanh long giàn cho số lượng cành và trái nhiều gấp 3 lần, vụ thu hoạch đầu tiên, thanh long giàn cho năng suất bình quân khoảng 60 tấn/ha, tăng gấp đôi so với thanh long trụ", anh Toàn nhấn mạnh.
Theo ông Nguyễn Ngọc Hải, PCT UBND xã Thuận Quý, toàn xã có hơn 420 ha thanh long, trong đó trên 26% diện tích sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP. Đặc biệt, có khoảng 180 ha thanh long được trồng theo giàn, tập trung chủ yếu ở các trang trại. Tuy nhiên, theo ông Hải, do cách trồng giàn có số lượng trụ nhiều hơn so với bình thường nên chi phí đầu tư ban đầu sẽ cao hơn. Bên cạnh đó, vì cành thanh long nhiều và nối tiếp nhau theo giàn nên khi có dịch bệnh như đốm nâu, đốm trắng xảy ra thì khó chăm sóc, xử lý. Vì vậy, khi trồng theo kiểu này người trồng phải theo dõi và kiểm tra vệ sinh vườn thường xuyên.
Trung Quốc thay đổi phương thức thu mua
Tại trang trại Sơn Trà, huyện Hàm Thuận Nam, với diện tích 22 ha là một trong những trang trại được công nhận đạt GlobalGAP, đầu tư hệ thống tưới theo công nghệ cao, vừa tiết kiệm nước vừa có tác dụng phòng bệnh đốm trắng (một bệnh nấm trên thanh long chưa có thuốc đặc trị - PV).
Sản phẩm thanh long sạch có giá xuất khẩu ổn định trên dưới 30 ngàn đồng/kg |
Hàng ngày, các lao động ở đây được phân công làm việc theo từng khu vực với quy trình chặt chẽ, có bảng phân công chi tiết. Trong đó, việc sử dụng thuốc và phân hóa học rất hạn chế, thay vào đó là bằng phương pháp hữu cơ.
Anh Nguyễn Hữu Phương, phụ trách cho biết, thanh long sạch trồng và chăm sóc khó hơn, trong khi thị trường khó tính luôn đòi hỏi yêu cầu chất lượng từ khâu sản xuất đến thu hoạch, bảo quản, chế biến, vận chuyển. Nhưng khi đáp ứng được các yêu cầu này, sản phẩm thanh long sẽ có giá cao hơn.
Thị trường Trung Quốc, nơi thu mua phần lớn thanh long trong nước hiện nay, cũng đã bắt đầu chuyển hướng sang nhập khẩu loại trái cây sạch theo hướng chất lượng cao, hạn chế sử dụng thuốc trừ sâu.
Các thương lái Trung Quốc bắt đầu mua theo phương thức ký hợp đồng, có bảo lãnh để mua được hàng sạch. Do vậy, nếu mình còn sản xuất theo phương thức cũ sẽ khó bán và nhiều khả năng bị ép giá do không đạt chất lượng.
“Nếu có thanh long sạch, nông dân không lo đầu ra vì không chỉ thương lái Trung Quốc bao hàng, mà còn nhiều DN khác tại TP.HCM đến hợp đồng thu mua để xuất đi Mỹ, Đức, Hàn Quốc và mới đây là Australia”, anh Phương nói.
Viết bình luận