Thông cảm cho nỗi vất vả người nông dân, nhưng nếu cứ lặp đi lặp lại tình trạng dư thừa nông sản cục bộ tại một số địa phương, một số sản phẩm thì người tiêu dùng trong nước sẽ phải đóng vai “hiệp sĩ” để giải cứu bà con đến bao giờ?
(Minh họa: Ngọc Diệp) |
Trong một báo cáo gần đây của ADB, các chuyên gia cho biết, nếu giai đoạn trước đây nông nghiệp chiếm 18% trong tổng GDP Việt Nam thì bình quân từ năm 2011 đến nay, tốc độ tăng trưởng nông nghiệp chỉ đạt khoảng 2,4%.
Chưa nói đến những con số vĩ mô khó tưởng tượng, chỉ nhìn vào thực tế, trong vài năm trở lại đây, cụm từ “giải cứu” nông sản được báo chí nhắc đến liên tục cũng có thể thấy rõ sự không hiệu quả trong lĩnh vực nông nghiệp.
Còn nhớ, mấy năm trước, cả nước tổng động viên sát vai bên nhau giải cứu dưa hấu, rồi nay là giải cứu thịt lợn. Chuyện “được mùa mất giá, được giá mất mùa”, nông dân “khóc ròng” bên thửa ruộng… như một điệp khúc lặp đi lặp lại. Hết năm nay rồi năm khác, hết địa phương này rồi đến địa phương khác, rồi mặt hàng này đến mặt hàng khác… để rồi, kinh tế thị trường trở thành một nền kinh tế “bao dung”, “từ thiện”.
Thông cảm cho nỗi vất vả người nông dân, nhưng nếu cứ lặp đi lặp lại tình trạng dư thừa nông sản cục bộ tại một số địa phương, một số sản phẩm thì người tiêu dùng trong nước sẽ phải đóng vai “hiệp sĩ” để giải cứu bà con đến bao giờ?
Hôm vừa rồi, một người bạn tham gia giải cứu dưa hấu cho bà con miền Trung có chia sẻ với tôi chuyện cô cùng bạn bè rủ nhau mua nông sản rồi phải bán cắt lỗ, chỉ bởi vì dưa dù quả to nhưng quá nhạt, không thể cạnh tranh với những chủng loại dưa khác trong siêu thị và cả ngoài chợ dân sinh.
Thất bại của người nông dân là dễ lý giải, khi chất lượng dưa khó cạnh tranh nhưng sản xuất ồ ạt và không có quy hoạch. Thị trường hướng đến của hầu hết các nông sản cần giải cứu là Trung Quốc, thế nên khi bị thương lái ép giá, người nông dân gần như không thể xoay xở được đầu ra. Thậm chí, có những thời điểm, vì mức giá quá rẻ mạt nên nông dân còn không buồn thu hoạch, hoặc đưa về làm thức ăn cho gia súc, gia cầm.
Trong khi đó, cũng mặt hàng đó, nếu nhập từ các thị trường khác về, người tiêu dùng vẫn phải mua với mức giá đắt đỏ. Một thị trường nội địa 93 triệu dân bị bỏ ngỏ, nông sản Việt thua đau ngay trên sân nhà. Đến cùng, người bị động và nghèo nhất vẫn nông dân và bên thu lợi, “nắm đầu chuôi” vẫn là thương lái.
Chúng ta cũng chẳng thể vì thế mà quy kết sự tàn nhẫn của thương lái, sự khốc liệt của thị trường. Đã là làm ăn kinh doanh thì nguyên tắc muôn đời là “lời ăn, lỗ chịu”. Khi thất bát, không ai có thể chịu trách nhiệm cho quyết định nuôi/trồng của người nông dân ngoài chính họ. Chẳng ai có thể tham gia giải cứu mãi và giải cứu cũng hoàn toàn không phải là cách mang lại sự ổn định của người nông dân.
Nếu chúng ta cứ vùng vẫy mãi trong cái nôi nông nghiệp truyền thống với lối sản xuất lạc hậu, tầm nhìn ngắn hạn, chụp giật, lệ thuộc mãi vào một thị trường, thì đừng nói đến mục tiêu giúp người nông dân làm giàu trên mảnh đất của mình, mà ngay cả việc ổn định đời sống cho họ, giúp họ không còn phải ly hương, ly nông cũng khó mà đạt được.
Kêu gọi toàn dân ăn thịt lợn hay mua dưa ủng hộ cũng chỉ là giải pháp nhất thời, may mắn thì có thể giúp người nông dân thoát khỏi bờ vực phá sản, nhưng cũng chỉ là trong năm nay hay một vài năm nhất định. Nhưng điều này sẽ phá vỡ những nguyên tắc cơ bản của một nền “kinh tế thị trường” mà chúng ta đang hướng đến.
Với tư cách là một thành viên trong thị trường, người nông dân cần nhiều hơn sự hỗ trợ, tạo điều kiện về vốn, sự tư vấn về hướng đi, về khoa học kỹ thuật và hướng ra cho sản phẩm… để nắm thế chủ động cọ xát với thị trường, chứ không phải là “cầm hơi” sống sót trong một cuộc chiến mà họ luôn đóng vai là “nạn nhân”.
Trong đó, không thể không đặt trách nhiệm vào những ngành như công thương, nông nghiệp… trong chỉ đạo sản xuất, khai thác thị trường…
Viết bình luận