Thứ cây thấp tè đã ra la liệt trái vàng mọng nước ở Lào Cai, dân trồng thoát nghèo, làm giàu

Về xã vùng cao Nậm Pung, huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai mùa này đâu đâu cũng tấp nập người dân trên các triền đồi thu hoạch quả lê Tai Nung bán cho thương lái. Lê Tai Nung đã và đang từng bước mang lại thu nhập khá tốt, giảm nghèo, từng bước vươn lên khá giàu

Lê Tai Nung bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế ở vùng cao Lào Cai

Rẽ từ đường tỉnh lộ 155 thôn Sín Chải, xã Ngũ Chỉ Sơn, thị xã Sa Pa vào trung tâm xã Nậm Pung, huyện Bát Xát được khoảng vài km chúng tôi bắt gặp nhiều thương lái đến thu mua quả lê Tai Nung của bà con xã Nậm Pung.

Anh Tẩn Vần Kiên, thôn Kim Chu Phìn 1, xã Nậm Pung, huyện Bát Xát chia sẻ: Năm 2017, gia đình tôi được Nhà nước hỗ trợ 600 gốc giống lê Tai Nung để trồng. Nhờ được cán bộ xã, huyện hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc nên cây lê sinh trưởng và phát triển tốt. Hiện trong số 600 gốc lê Tai – nung của gia đình tôi thì có 300 gốc đã cho thu hoạch, đây là vụ thứ 2 cho thu quả.

Từ đầu vụ đến nay, gia đình tôi đã thu được gần 1 tấn quả, với giá từ 15 - 40 nghìn đồng/kg, tùy thuộc vào từng loại quả, thu về hơn 20 triệu đồng. Dự kiến hết vụ lê Tai Nung năm nay, gia đình sẽ thu được  khoảng 2 tấn nữa. Với hiệu quả bước đầu đem lại, năm 2019, gia đình tôi tiếp tục được hỗ trợ thêm 400 gốc lê Tai Nung để trồng. Hy vọng cây lê Tai Nung sẽ trở thành cây trồng giúp bà con chúng tôi xóa nghèo, vươn lên làm giàu.

Kỳ vọng về cây xóa nghèo cho bà con vùng cao Lào Cai - Ảnh 2.
Nông dân xã Nậm Pụng, huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai thu hoạch quả lê Tai Nung. Ảnh: Mùa Xuân.

Là một trong những hộ đầu tiên trồng thử nghiệm cây lê Tai Nung được hơn 10 năm nay, chị Tẩn Tả Mẩy, thôn Kim Chu Phìn 1, xã Nậm Pung, huyện Bát Xát, tâm sự: Năm 2009, gia đình tôi cũng như các hộ dân khác được Nhà nước hỗ trợ 200 gốc lê Tai Nung để trồng phủ xanh đất trống, đồi trọc. 

Nhờ chăm sóc đúng quy trình kỹ thuật, cây lê Tai Nung đã cho bói quả mang lại thu nhập cho gia đình tôi mỗi năm khoảng 100 triệu đồng từ bán quả lê. Năm 2022, gia đình tôi tiếp tục nhân rộng thêm 400 gốc lê Tai – nung nữa.

Kỳ vọng về cây xóa nghèo cho bà con vùng cao Lào Cai - Ảnh 3.
Nhờ trồng lê Tai Nung đã giúp gia đình chị Tẩn Tả Mẩy, thôn Kim Chu Phìn 1, xã Nậm Pung, huyện Bát Xát có thu nhập ổn định. Ảnh: Mùa Xuân.

Theo chị Mẩy, toàn bộ những giống lê của gia đình chị cũng như nhiều hộ dân khác trong thôn được Nhà nước hỗ trợ 100% giống. Ngoài ra, các hộ dân còn được hướng dẫn kỹ thuật bón phân, tỉa cành, thu hoạch… 

Hiện diện tích cây lê Tai Nung của gia đình chị Mẩy đã được cấp nhãn hiệu lê sạch. Cùng với việc hỗ trợ giống, gia đình chị Mẩy còn được hỗ trợ hệ thống tưới thông minh, phân bón cho cây lê.

Kỳ vọng về cây xóa nghèo cho bà con vùng cao Lào Cai - Ảnh 4.
Quả lê Tai Nung vùng cao Bát Xát (Lào Cai) thơm, ngon, nhiều nước được người tiêu dùng ưa chuộng. Ảnh: Mùa Xuân.

Xã Nậm Pung là một trong những xã vùng cao kinh tế, xã hội còn nhiều khó khăn của huyện Bát Xát. Xã hiện có 386 hộ dân, với hơn 2.000 nhân khẩu, gồm dân tộc Dao, Hà Nhì, Kinh cùng sinh sống. Những năm trước đây, thu nhập chính của người dân chủ yếu là từ cây ngô, lúa, nhiều diện tích đất bạc màu bị bỏ hoang.

Do vậy, cấp ủy, chính quyền địa phương xã Nậm Pung đã tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đưa các loại giống có năng suất, chất lượng cao vào trồng để giúp bà con nâng thu nhập. Điểm nhấn là ngoài duy trì diện tích trồng lúa, xã Nậm Pung đã đưa cây lê Tai Nung vào trồng thí điểm để người dân thấy hiệu quả rồi thay đổi tư duy, cách làm và học tập làm theo.

Để lê Tai Nung phát triển bền vững

Ông Tẩn Láo San, Phó Chủ tịch UBND xã Nậm Pung (Bát Xát, Lào Cai), cho biết: Năm 2009, từ nguồn vốn Chương trình 135 hỗ trợ, các hộ dân tại thôn Kim Chu Phìn 1 đã được hỗ trợ giống lê Tai – nung để trồng, với diện tích 3 ha. Sau 6 năm trồng, nhận thấy cây lê Tai – nung phù hợp với khí hậu, đất đai của xã, do vậy xã đã tiếp tục được huyện Bát Xát triển khai hỗ trợ giống cho bà con trồng.

Đến nay, toàn xã Nậm Pung có gần 170 ha cây lê Tai – nung, trong đó, có hơn 40 ha đã cho thu hoạch, còn lại là diện tích trồng mới và đang chăm sóc. Hiện nay, đối với những diện tích đã cho thu hoạch, giá cả ổn định, bà con ai cũng vui mừng, phấn khởi. Cây lê Tai – nung đang được xã xác định là cây trồng chủ lực để nâng cao thu nhập, xóa nghèo cho người dân.

Kỳ vọng về cây xóa nghèo cho bà con vùng cao Lào Cai - Ảnh 5.
Đến nay, toàn xã Nậm Pung, huyện Bát Xát (Lào Cai) đã mở rộng diện tích trồng lê Tai Nung lên gần 170 ha. Ảnh: Mùa Xuân.

Từ những thành quả ban đầu, đến nay, xã đã thành lập được 1 Tổ hợp tác trồng lê; cũng từ đó, sản phẩm quả lê Tai – nung xã Nậm Pung đã được tỉnh Lào Cai công nhận đạt chuẩn OCOP 3 sao. Đây chính là tiền đề để từng bước xây dựng thương hiệu lê Tai – nung Nậm Pung đến với người tiêu dùng.

Có thể thấy việc chuyển đổi cây lương thực ngắn ngày kém hiệu quả sang  trồng cây lê Tai – nung bước đầu đang mang lại hiệu quả kinh tế cao. Thế nhưng, câu hỏi mà người dân xã Nậm Pung hiện nay đang đặt ra là tuyến đường giao thông kết nối xã Nậm Pung với xã Ngũ Chỉ Sơn, thị xã Sa Pa và Nậm Pung – xã Mường Hum đang xuống cấp nghiêm trọng, ảnh hưởng không nhỏ đến việc đi lại cũng như vận chuyển hàng hóa nông sản của người dân.

Kỳ vọng về cây xóa nghèo cho bà con vùng cao Lào Cai - Ảnh 6.
Nhiều hộ dân áp dụng công nghệ tưới thông minh cho cây lê Tai - nung để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Ảnh: Mùa Xuân.

Bên cạnh đó, diện tích lê Tai – nung hiện nay đang được nhân rộng, việc liên kết tìm đầu ra cho sản phẩm đang gặp khó. Bởi sản phẩm lê Tai – nung do người dân trồng, hiện chủ yếu tự bán lẻ tẻ cho các thương lái trong và ngoài huyện.

Cũng theo người dân trồng lê vụ năm nay, có 1 số siêu thị ở thành phố Lào Cai đặt thu mua, với số lượng khoảng 30 tấn quả lê Tai – nung. Nhưng người dân chưa thể đáp ứng được vì sợ số lượng không đảm bảo vì yêu cầu về mẫu mã, chất lượng thị trường cũng rất khắt khe…

Do đó, để phát triển cây lê Tai - nung trở thành cây chủ lực và phát triển bền vững rất cần sự quan tâm của các cấp, các ngành tỉnh Lào Cai trong việc liên kết, bao tiêu sản phẩm cho bà con. 

Viết bình luận