Theo số liệu Hải quan, trong nửa đầu năm, xuất khẩu rau quả của Việt Nam sang các nước đạt trị giá gần 1,75 tỷ USD, tăng 50,4% so với cùng kỳ năm 2016, tương đương khoảng 39.000 tỷ đồng. Trong khi đó, tại thị trường nội địa, giá nhiều mặt hàng rau củ đã tăng từ 20-30% so với cách đây nửa tháng vì mưa bão xuất hiện nhiều, dẫn tới khan hiếm nguồn cung cục bộ.
Mưa bão xuất hiện liên tục khiến giá nhiều loại rau củ tại địa bàn Nghệ An tăng cao.
Những ngày qua, do ảnh hưởng của mưa bão, gây ngập úng ở nhiều vùng trồng rau nên một số loại rau quả tại địa bàn Hà Nội và một số tỉnh phía Bắc tăng giá mạnh. Tại các chợ như Thượng Đình, chợ Cầu Giấy, Phùng Khoang, chợ Hôm, Chợ Dịch Vọng… giá các loại rau, củ đã tăng phổ biến 20-30% so với 2 tuần trước.
Do mưa nhiều, giá mồng tơi, rau ngót tại một số chợ ở Hà Nội đã tăng giá so với trước.
Cụ thể, theo khảo sát của Ban Chỉ đạo thị trường nông nghiệp (Bộ NNPTNT), giá rau dền, mồng tơi ở mức 5.000 đồng/mớ, tăng 1.000 đồng/mớ; rau ngót 6.000 đồng/mớ, tăng 1.000 đồng; bắp cải tăng 3.000 đồng/kg lên 8.000 đồng/kg; cải thảo tăng 5.000 đồng/kg lên 12.000 đồng/kg, mướp đắng thậm chí tăng tới 10.000 đồng/kg lên 16.000 đồng/kg.
Trong khi đó, ở phía Nam, do cung vượt cầu, thị trường xuất khẩu dội hàng nên nhiều loại trái cây đang bị sụt giá. Tại Tiền Giang, thời điểm này thanh long ruột trắng nhà vườn đang được bán với giá 4.000 - 5.000 đồng/kg, ruột đỏ giá 15.000 đồng/kg, giảm khoảng 5.000 đồng/kg so tháng trước.
Ngược lại, giá thanh long ruột đỏ tại Đồng Tháp lại hồi phục do nhu cầu xuất khẩu tăng cao. Hiện tại giá thanh long ruột đỏ loại 1 tại đây dao động từ 29.000 - 30.000 đồng/kg; loại 2 có giá 19.000 - 20.000 đồng/kg, tăng khoảng 8.000 - 9.000 đồng/kg so với tháng trước.
Tại Đồng Tháp, giá thanh long đang phục hồi do nhu cầu xuất khẩu tăng cao.
Cũng theo tin từ Ban Chỉ đạo thị trường nông nghiệp, hiện nay, tình hình tiêu thụ mặt hàng chuối tại Đồng Nai đã khá ổn định, giá mua tại vườn đạt trên 2.000 đồng/kg. Cụ thể, chuối các doanh nghiệp mua để xuất khẩu từ 3.700- 5.000 đồng/kg, chuối chín bán cho các thương lái là 2.000-3.000 đồng/kg.
Giá mít đẹp thu mua tại vườn ở một số khu vực phía Nam đang ở mức 12.000 đồng/kg, tăng gần 6.000 đồng/kg so với những ngày chính vụ. Do đang cuối vụ nên sản lượng không được nhiều vì đa phần mít đã chín cách đây hơn 1 tháng. Tuy nhiên, theo nhiều bà con thì giá mít năm nay vẫn chưa bằng năm trước, lúc đỉnh điểm lên tới 32.000 đồng/kg.
Với giá bán 12.000 đồng/kg, mỗi ha mít sau khi trừ chi phí, nông dân có lợi nhuận khoảng 400 triệu đồng.
Theo số liệu Hải quan, trong nửa đầu năm, xuất khẩu rau quả của Việt Nam sang các nước đạt trị giá gần 1,75 tỷ USD, tăng 50,4% so với cùng kỳ năm 2016. Trong đó, Trung Quốc vẫn là thị trường lớn nhất nhập khẩu rau quả của Việt Nam, với kim ngạch đạt 1,25 tỷ USD, chiếm tới 74,9% tổng kim ngạch xuất khẩu rau quả các loại của Việt Nam, tăng 55,4% so với 6 tháng đầu năm 2016.
Tiếp đến là Nhật Bản đạt 56,54 triệu USD, tăng 60,8%; Hoa Kỳ 53,6 triệu USD, tăng 26,4%; Hàn Quốc 49,8 triệu USD, tăng 11,5%: Hà Lan 31,11 triệu USD, tăng 11% so với cùng kỳ năm ngoái...
Trung bình mỗi tháng, người Việt bỏ ra 120 triệu USD để nhập rau quả từ Thái Lan, Trung Quốc.
Tuy nhiên, Việt Nam cũng phải chi 669 triệu USD để nhập khẩu mặt hàng rau quả, tăng tới 91,2% so với cùng kỳ năm ngoái. Việt Nam nhập khẩu rau quả chủ yếu từ các thị trường Ấn Độ; Australia, Thái Lan, Trung Quốc, Nam Phi, New Zealand, Myanmar, Hoa Kỳ và Chile... Nếu tính bình quân, mỗi tháng, người Việt bỏ ra 120 triệu USD để nhập khẩu rau quả.
Rau củ quả được nhập về Việt Nam chủ yếu là táo, cam, lê, kiwi, cherry (New Zealand, Australia), xoài, mãng cầu, me (Thái Lan), bắp cải, xà lách, khoai tây (Trung Quốc)… Nhiều loại trái cây nhập từ Hàn Quốc, Thái Lan, Úc dù có giá cao, nhưng vẫn có sức tiêu thụ tốt, đặc biệt là ở các khu vực thành phố. Hiện tại các chủng loại như táo xanh Pháp, Mỹ, lựu Hàn Quốc cũng được người tiêu dùng lựa chọn nhiều.
Viết bình luận