Vài ba năm trở lại đây, phong trào trồng bơ tại các tỉnh Tây Nguyên phát triển rất mạnh, đặc biệt là giống bơ Booth trái vụ có xuất xứ từ Mỹ. Giá bơ Booth được thương lái thu mua ở mức cao ngất ngưởng trên dưới 70.000 đồng/kg. Nhiều chủ vườn thu lãi đến hơn 2 tỷ đồng/ha...
Bơ Booth đang tạo nên một cơn sốt giống tại các tỉnh Tây Nguyên
Nguyên do bơ Booth vụ vừa rồi bán ra đến 80.000 đồng/kg nên nhu cầu trồng mới rất lớn. Hiện giá cây giống bơ sáp dao động quanh mức 20.000 đồng/cây, còn bơ Booth là 30.000 – 35.000 đồng/cây.
Những ngày đầu mùa mưa này, thị trường cây giống tại tỉnh Đắk Nông trở nên sôi động. Trong khi các loại giống cây trồng truyền thống như điều, cà phê, cao su, sầu riêng… không có biến động lớn về lượng tiêu thụ thì năm nay giống bơ Booth trở nên rất hút thị trường, thường xuyên rơi vào cảnh cháy hàng.
Anh Nguyễn Mạnh Cường, chủ một vườn ươm cây giống bơ Booth lớn tại xã Quảng Sơn (Đắk Glong - Đắk Nông) cho biết: Chỉ tính từ cuối tháng 3 đến nay, anh đã bán được hơn 4 vạn cây giống bơ Booth cho người dân. Trước nhu cầu về cây giống quá lớn, vườn ươm của anh phải tăng cường nhập thêm 1 vạn chồi để về ghép.
Theo anh Cường, nhu cầu giống bơ Booth tăng liên tục trong khoảng 3 năm qua, mạnh nhất là năm nay. Nguyên nhân do giá bơ Booth được thương lái thu mua ở mức cao ngất ngưởng trên dưới 70.000 đồng/kg. Nhiều chủ vườn thu lãi đến hơn 2 tỷ đồng/ha bơ Booth.
Tương tự, hơn 3 vạn cây giống bơ Booth của vựa cây giống Trần Bính (phường Nghĩa Phú, thị xã Gia Nghĩa) cũng bán hết vèo chỉ sau hơn 2 tháng cấy ghép.
Theo ông Bính, để có nguồn cây giống chất lượng, ông phải đặt hàng chồi ghép tại các vườn đầu dòng tận Đăk Lăk trước gần cả năm, còn cây ghép thì cơ sở tự ươm hạt lấy. Hiện giá một cây giống bơ Booth không hề rẻ, dao động từ 30.000 – 35.000 đồng tại vườn ươm. Tuy nhiên, không phải vườn ươm nào cũng còn hàng để bán.
Đang hồ hởi đào hố, tích cực chuẩn bị xuống giống bơ Booth, anh Nguyễn Công Hợp (Quảng Tín, Đắk R’Lấp) chia sẻ: Hai ba năm nay, anh đi đến đâu cũng nghe người ta kháo nhau về cây bơ Booth, siêu kinh tế, cho thu nhập tiền tỷ/ha. Sau nhiều lần cất công lặn lội đi tham quan, học hỏi kinh nghiệm từ các chủ vườn đi trước, mùa mưa này anh quyết xuống 600 cây bơ trên diện tích hơn 2 ha.
Nhiều nông dân tại Tây Nguyên hăm hở chuyển đổi sang trồng bơ Booth
Cách làm của anh Hợp là trồng xen bơ trên diện tích vườn điều đang kinh doanh. Cứ giữa 4 cây điều anh Hợp tiến hành rong tỉa cành, xen vào một gốc bơ với phương châm “bơ lớn đến đâu, chặt bỏ điều đến đó”.
Theo anh Hợp, trồng xen bơ vào vườn điều là việc làm còn mới mẻ. Các hộ nông dân thường chọn phương thức trồng thuần hoặc xen với cà phê. Tuy nhiên, vì sức hút từ cây bơ Booth quá lớn nên anh không thể đứng ngoài cuộc. “Tôi chấp nhận đánh cược, cứ giữ lại vườn điều chăm sóc. Nếu bơ phát triển tốt thì tôi phá bỏ điều, còn không cũng không mất mát gì cả”, anh Hợp nói.
Ông Nguyễn Cao Trí, Chủ tịch HND xã Thuận Hạnh (Đắk Song) cho hay: Hiện rất nhiều nông dân trên địa bàn xã cũng đã chuyển sang trồng loại cây này. Đã có nhiều hộ trồng từ vài năm nay, hiệu quả kinh tế mang lại rất lớn, thậm chí ngay cả cây cho tiền tỷ như hồ tiêu cũng khó mà so bì kịp. Do đó, việc nông dân hăm hở chạy theo thị trường, chuyển đổi sang trồng bơ Booth là việc đương nhiên. Hiện toàn xã đã có trên dưới 50 ha trồng bơ Booth.
Trước việc ngày càng có nhiều hộ trong xã hăm hở, chuyển đổi trồng bơ, HND xã đã tổ chức nhiều cuộc họp với nông dân để có những định hướng, góp ý nếu họ quyết tâm chuyển đổi. Trước mắt, để quản lý nguồn cây giống, UBND xã tiến hành kiểm tra, quản lý chặt chẽ việc xuất, nhập cây giống của các cơ sở kinh doanh trên địa bàn.
Vườn ươm cây giống bơ Booth uy tín của Viện Eakmart
Các chủ vườn ươm, kinh doanh cây giống nào không có giấy phép kinh doanh, không có hóa đơn xuất, nhập hàng hóa thì UBND xã sẽ xử phạt nghiêm, hạn chế tối đa việc cung cấp cây giống không đảm bảo cho người dân.
Theo Chi cục BVTV tỉnh Đắk Nông, nhu cầu cây giống bơ Booth trên địa bàn tỉnh rất lớn. Tuy nhiên, người dân nên thận trọng trong việc chuyển đổi cũng như chọn lựa mua cây giống. Để hạn chế rủi ro, trước khi chuyển đổi, nông dân nên dành thời gian đến các vườn tham quan học hỏi, trực tiếp trải nghiệm tại vườn trước...
Viết bình luận