Thuần hóa cây thông đỏ - một loại cây rừng – thành cây trồng nông nghiệp là một trong những vấn đề đặt ra tại đề tài khoa học “Nghiên cứu quy trình trồng cây thông đỏ (Taxus Wallichiana Zucc) để làm nguyên liệu sản xuất thuốc chữa bệnh” do thạc sỹ Vương Chí Hùng – GĐ Trung tâm Nghiên cứu trồng và chế biến cây thuốc Đà Lạt – chủ trì, thực hiện cùng với nhóm tác giả. Đề tài nghiên cứu khoa học này được tiến hành trong hai năm qua và vừa được Sở KHCN Lâm Đồng nghiệm thu với kết quả khả quan.
Trên cơ sở nghiên cứu, nhóm tác giả nói trên đã bước đầu đưa ra những thông số kỹ thuật phù hợp về điều kiện sinh thái, thời vụ, chế độ phân bón... để thâm canh trồng cây thông đỏ theo phương thức canh tác nông nghiệp trong tương lai tại vùng đất Lâm Đồng – cái nôi cuối cùng của cây thông đỏ Việt Nam.
Theo các tài liệu khoa học, thông đỏ là cây lâm nghiệp làm dược liệu (quý hiếm) chiết tách hoạt chất taxol và taxotere để điều chế thuốc chữa bệnh ung thư. Hiện ở Lâm Đồng, quần thể thông đỏ tự nhiên chỉ còn khoảng 100 cây. Vì vậy, kết quả nghiên cứu của đề tài khoa học về việc xây dựng một quy trình kỹ thuật hoàn chỉnh để trồng và chăm sóc cây thông đỏ theo hướng thâm canh cây nông nghiệp với khả năng trong tầm tay là một kết quả có ý nghĩa vô cùng đặc biệt.
Theo nghiên cứu của các nhà khoa học chuyên ngành, Lâm Đồng là vùng đất hiếm hoi của không chỉ Việt Nam mà cả châu Á còn sót lại quần thể thông đỏ - Taxus wallichian Zucc – vô cùng quý hiếm. Từ lâu, trong dân gian đã coi thông đỏ là nguyên liệu để bào chế ra một vài loại thuốc chữa trị một vài loại bệnh nan y. Đặc biệt, đến năm 1994, giới y học đã công bố một thông tin khiến cả thế giới bất ngờ: Từ lá và vỏ cây thông đỏ, có thể chiết xuất ra hai hoạt chất taxol và taxotere để làm nguyên liệu bào chế thuốc điều trị bệnh ung thư buồng trứng, ung thư vú, ung thư phổi, xử lý hắc tố…
Từ thông tin này, tại Pháp, Trung tâm Nghiên cứu khoa học quốc gia (CNRS) đã ngay lập tức triển khai đề tài nghiên cứu khoa học có tên “Dự án Sản xuất thuốc generic chống ung thư taxol và taxotere ở Việt Nam” và giao nhiệm vụ này cho một nhà khoa học gốc người Việt là tiến sỹ Trần Khánh Viễn. TS Trần Khánh Viễn trong lời mở đầu của dự án này đã cho biết: Cả hai hoạt chất taxol và taxotere (được phát triển từ phân tử docetaxel hoạt hóa của Công ty Sanofi Aventis Pháp) đều được chiết xuất từ vỏ và lá cây thông đỏ, và đã mang về những nguồn thu kinh tế khổng lồ cho các hãng sản xuất.
Trong 10 năm, hãng Bristol Myers Squibb (Pháp) đã thu được 11 tỷ USD từ nguồn bán taxol. Còn đối với Công ty Sanofi Aventis thì riêng việc bán taxotere trong năm 2005 đã thu được món lợi khá lớn: 1,7 tỷ USD. Ở Việt Nam, chỉ riêng Bệnh viện Ung bướu TP HCM trong năm 2006 đã phải chi ra 19 tỷ đồng để mua các biệt dược có nguồn gốc từ taxol và taxotere của nước ngoài về để phục vụ chữa bệnh.
Theo số liệu báo cáo của đề tài khoa học của nhóm tác giả do thạc sỹ Vương Chí Hùng làm chủ nhiệm đề tài nói trên, trong các năm từ 2007 đến nay, các nhà khoa học thuộc nhóm nghiên cứu đã nghiên cứu được 49 dòng thông đỏ tự nhiên; và qua đó chọn lọc được 9 loài thông đỏ cho hàm lượng hoạt chất 10-DAB III và taxol cao, và đây là 9 loài được chọn để sản xuất giống trong tương lai.
Cũng theo các nhà khoa học này, các giống thông đỏ đã được chọn đang hứa hẹn một viễn cảnh tốt đẹp: Sau khi trồng được 18 tháng, thông đỏ cho thu hoạch (lá) lần đầu; tiếp đến, cứ 2 – 2,5 tháng cho thu hoạch một lần; một năm sau, cho thu hoạch 5 – 6 lần; và tính trung bình, mỗi năm một cây thông cho thu hoạch 20.000kg lá tươi. Trong hiện tại, Trung tâm Nghiên cứu Trồng và chế biến cây thuốc Đà Lạt đã trồng được 7ha thông đỏ; trong đó có 2ha đang cho thu hoạch lá để cung cấp nguyên liệu cho Công ty Dược liệu TP HCM.
Như trên vừa nói, trong tự nhiên, quần thể thông đỏ của Lâm Đồng đang bị đe dọa một cách nghiêm trọng. Được biết, mặc dầu ngay từ đầu 2008, ở Lâm Đồng, cây thông đỏ đã được khoanh thành “vùng bất khả xâm phạm” nhưng số phận của quần thể cuối cùng còn sót lại khoảng 100 cây của cả tỉnh này vẫn cứ bị đe dọa như thường.
Chi cục Kiểm lâm Lâm Đồng cho biết, trong thời gian gần đây, trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng tiếp tục có 11 cây thông đỏ bị kẻ gian triệt hạ lén lút. Số liệu của cơ quan chức năng còn nêu cụ thể: Tại hiện trường thông đỏ bị triệt hạ ở núi Voi thuộc xã Hiệp An và Hiệp Thạnh, huyện Đức Trọng, cơ quan chức năng đã đo đếm được gần 14m2 gỗ thông đỏ do kẻ gian còn để lại (chưa kịp tẩu tán). Cũng cần biết rằng, nạn “truy sát” những cây thông đỏ cuối cùng của Lâm Đồng không phải chỉ mới diễn ra trong thời gian gần đây. Từ thực tế này, việc nghiên cứu và nhân giống cây thông đỏ, đặc biệt là nghiên cứu trồng giống cây rừng này theo phương thức canh tác nông nghiệp để làm cây dược liệu, hẳn có một ý nghĩa rất lớn.
Bao Nong Nghiep Viet Nam
Viết bình luận