TÌM HIỂU CÂY HÀ THỦ Ô ĐỎ

Tác dụng:

Hà thủ ô đỏ chủ yếu được biết đến như là một vị thuốc bổ, trị suy nhược thần kinh,  khỏe gân cốt, thiếu máu, đen râu tóc.

Đặc điểm nhận dạng:

Cỏ nhiều năm, thân leo quấn, dài 2 – 4 m, phân cành nhiều. Rễ phình to thành dạng củ, vỏ màu nâu đen. Lá có cuống dài 2 – 4 cm, mọc cách, phiến lá hình trứng, cỡ 3 – 7 x 2 – 5 cm, mép nguyên, chóp nhọn, gốc hình tim. Bẹ chìa mỏng, dài 3 – 5 mm. Cụm hoa dạng chuỳ, dài 20 – 40 cm, mọc ở đỉnh cành hoặc nách lá, hoa nhiều. Hoa đều, lưỡng tính, màu trắng hoặc lục nhạt. Bao hoa 5 mảnh, không bằng nhau, 3 mảnh phía ngoài to hơn và đồng trưởng cùng với quả. Nhị 8, ngắn hơn bao hoa. Bầu thượng, hình trứng; vòi nhuỵ 3. Quả bế, màu nâu đen, hình chóp, 3 cạnh.

Sinh học và sinh thái:

Mùa ra hoa tháng 7 – 10, quả tháng 9 – 12. Mọc nơi ẩm,nhiều mùn, vùng rừng núi đá vôi, ở độ cao 800 – 1600 m. Còn được trồng trong các vườn thuốc. Có thể trồng bằng củ và dây.

Phân bố:

Trong nước: Đà Lạt, Lai Châu, Lào Cai, Yên Bái, Sơn La, Hà Giang, Thanh Hoá, Nghệ An, Hà Tĩnh.

Thế giới: Trung Quốc, Nhật Bản.

TRUYỀN THUYẾT CÂY HÀ THỦ Ô

Ngày xưa, một anh chàng họ Hà có gia thất đã ngót chục năm, nhưng vẫn chưa có được mụn con nào. Anh ta người gầy khô, tóc bạc trắng, hay cáu gắt, đêm đêm thường mất ngủ và mộng mị. Một hôm, anh vào rừng thấy những dây leo rất lạ, lá hình trái tim, màu nâu nhạt hay tím nhạt, ôm lấy thân; cành lá quấn với nhau rồi lại tách xa nhưng lại tìm đến nhau quấn lại như trước. Anh lấy cành lá này nấu nước uống. Sau một thời gian thấy giảm tính cáu gắt, ngủ được và chứng mộng mị mất đi. Anh ta đào cây về trồng, nhưng rễ của chúng là những củ màu nâu tím, anh lại lấy cả củ để uống. Sau một thời gian, tóc đương trắng hóa đen, da dẻ đã mịn màng, người như trẻ lại, anh ta được lên chức bố. Người họ Hà rất thọ, có con đàn cháu đống, có cháu, chắt, chút mới quy tiên. Người đời sau gọi cây thuốc này là Hà thủ ô (Người họ Hà có mái tóc đen như con quạ).


Chuyện kể về ông Điền Thi, một người sinh ra vốn yết ớt, đến 56 tuổi vẫn không vợ con. Ông ham theo các thầy học đạo ở trên núi. Một lần say rượu, ông nằm lại trên sườn núi, nhìn thấy hai dây leo cách nhau đến 3 thước (3 thước cổ tương đương 1 m) tìm đến nhau quấn chặt lại, lại rời nhau ra rồi lại quấn lấy nhau như trước. Ông lấy làm lạ, đào cả cây đem về hỏi mọi người, nhưng chẳng ai biết. Ông hỏi một ông già từ phương xa đến. Ông ta bảo: “Anh đã không có con, thứ cây này lại có sự lại kỳ lạ như vậy, có lẽ là vị thuốc thần tiên gửi tặng nên đem mà sắc uống”. Điền Thi nghe lời, đem củ tán bột, ngày uống 1 đồng cân, uống 1 tuần đã cảm thấy ham muốn tình dục. Uống vài tháng thấy người khỏe mạnh như thường. Uống suốt 1 năm với liều gấp đôi, các bệnh tật đều khỏi, tóc đương trắng hóa đen, trong khoảng 10 năm sinh hạ vài con trai. Ông sống thọ đến 160 tuổi. Con trai là Điền Tú cũng uống thuốc này sống thọ 130 tuổi mà tóc vẫn còn đen. Con trai Điền Tú là Thủ Ô kể đơn thuốc gia truyền này với bạn thân là Lý An Kỳ, người này dùng thuốc cũng sống rất thọ và thuật lại chuyện trên.

Truyện kể rằng: người đời sau biết chuyện, tìm cho mình cây thuốc quý và uống với liều cao hơn để mau tìm bản lĩnh đàn ông cho mình; nhưng bản lĩnh chưa thấy đâu mà mỗi ngày anh đi đại tiện 3 dến 4 lần, phân rơi ra khỏi hậu môn tròn như phân dê, nhưng rơi xuống lại nát bét, người cảm thấy nóng nực mà tóc thì xơ rụng. Trong lúc đi đại tiện, anh chợt nhìn thấy các hạt đỗ đen tròn cứng dưới các luống đỗ bèn thu hạt nấu lấy nước uống thấy người mát mẻ, đại tiện bình thường mà bản lĩnh đàn ông thấy rõ; nên sau này mới có cách chế biến Hà thủ ô bằng nước đỗ đen mà chỉ y học cổ truyền phương đông mới có.

Chuyện kể lại như vậy, nhưng chẳng có ai xác nhận tính thực hư, chỉ biết rằng cây này có hai tên phổ biến là “Dạ giao đằng” do các dây cứ quấn lấy nhau, “Hà thủ ô” do người họ Hà dùng thuốc mà có tóc trắng trở lại đen như con quạ và xác định hà thủ ô có tác dụng làm thuốc bổ, chữa các bệnh về thần kinh, ích huyết, mạnh gân cốt, sống lâu, làm đen râu tóc.

Y học cổ truyền phương đông xác định: Củ 
hà thủ ô có vị đắng ngọt chát, tính hơi ôn. Đắng liên quan đến lạnh, vị chát liên quan đến táo sáp mới dẫn đến đại tiện đi nhiều lần, phân vừa táo vừa nát như vậy. Đó là tác dụng không mong muốn; do đó, y học cổ truyền thường dùng hà thủ ô chế.

Củ hà thủ ô được rửa sạch, cạo bớt phần vỏ đen bên ngoài; ngâm với nước gạo 24 giờ. Sau đó thái miếng, loại bỏ lõi, chưng cách thủy với nước đậu đen (Cứ 1kg hà thủ ô cần 100g đến 300g đậu đen). Đêm chưng nấu, ngày đem ra phơi và tẩm lại nước đỗ đen còn trong nồi nấu (sái). Nếu chưng và sái được 9 lần thì tuyệt nhất. Cách làm trên làm giảm bớt độc tính, tăng sức bổ và đưa thuốc vào thận. Vị thuốc như miếng gan khô, vị ngọt hơi đắng chát.

Khoa học hiện đại xác định: Hà thủ ô sống chứa khoảng 7,68% tanin; 0,259% dẫn chất antraqinon tự do; 0,805% các antraglycozid. Sau khi chế biến như trên, dược liệu còn chứa 3,8% tanin; 0,113% các chất antraquinon tự do; 0,25% các antraglycozid và nhiều chất khác.

Tanin là chất có tác dụng săn se, chất cố sáp, có tác dụng cầm ỉa chảy; các antraglycozid là những chất có tác dụng nhuận tràng, thông tiện, thường dùng với những người bị táo bón kinh niên. Không phải có tanin là có tác dụng săn se; có antraglycozid là có tác dụng nhuận tràng thông tiện. Chúng cũng có liều tác dụng như các chất thuốc khác nên người dùng liều cao hà thủ ô chưa chế để tìm bản lĩnh của mình, vô hình chung đã dùng với liều có tác dụng của 2 chất trên (tác dụng không mong muốn). Chế biến theo y học cổ truyền phương đông làm giảm đến một nửa các chất trên nên ở liều cao cũng khá an toàn.

Thân leo và lá của cây hà thủ ô được gọi là ‘Dạ giao đằng” (Herba Fallopiae multiflorae). Dạ giao đằng có vị ngọt, tính bình. Có tác dụng dưỡng tâm, an thần, dưỡng huyết, hoạt lạc. Dùng trị chứng thần kinh suy nhược, thiếu máu, đau mỏi toàn thân.
Liều dùng Dạ giao đằng: 12g đến 30g.

Rễ củ gọi là Hà thủ ô (Radix Fallopiae multiflorae). Vị đắng ngọt chát, tính hơi ôn. Vào các kinh can và thận. Tác dụng bổ can thận, dưỡng huyết bổ âm giải độc, nhuận tràng thông tiện. Dùng cho các trường hợp can thận âm hư, huyết hư, đau đầu hoa mắt chóng mặt, đau lưng mỏi gối ù tai điếc tai, râu tóc bạc sớm, di tinh, huyết trắng, táo bón, hội chứng lỵ mạn tính, trĩ xuất huyết, sốt rét, lao hạch, bệnh mạch vành, tăng huyết áp, tăng mỡ máu, xơ vữa động mạch. 
Liều dùng: 12g đến 60g. Bổ huyết thì dùng hà thủ ô (chế); nhuận tràng thông tiện thì dùng hà thủ ô sống.

Viết bình luận