Trà Vinh: Chuyển đổi trên 8.000 ha đất lúa kém hiệu quả
Thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp, tỉnh Trà Vinh đã ban hành kế hoạch chuyển đổi đất lúa kém hiệu quả giai đoạn 2021-2025 với mục tiêu trên 8.000 ha.
những năm gần đây, nhất là năm 2020 do diễn biến của biến đổi khí hậu, xâm nhập mặn theo chiều hướng ngày càng bất lợi, sản xuất nông nghiệp tại Trà Vinh gặp phải một số khó khăn.
Theo Sở NN-PTNT tỉnh Trà Vinh, tổng thiệt hại mà sản xuất của tỉnh phải hứng chịu trên 1.000 tỷ đồng. Riêng trên cây lúa, năm 2020 thiệt hại do xâm nhập mặn trên 25 nghìn ha.
Thực hiện chương trình tái cơ cấu nông nghiệp bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu (BĐKH), UBND tỉnh Trà Vinh đã ban hành kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa kém hiệu quả giai đoạn 2021-2025 định hướng đến năm 2030.
Theo đó, tỉnh Trà Vinh dự kiến chuyển đổi gần 8.085 ha đất lúa kém hiệu quả. Trong đó, chuyển sang cây hàng năm khác gần 4.259 ha, sang cây lâu năm trên 2.315 ha, sang trồng lúa kết hợp với nuôi trồng thủy sản trên 1.510 ha.
Định hướng đến năm 2030 chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa gần 4.305 ha. Trong đó, chuyển sang cây hàng năm khác trên 2.652 ha, sang cây lâu năm 1.064 ha, sang trồng lúa kết hợp với nuôi trồng thủy sản 588 ha.
Trước đó, giai đoạn 2017-2020, tỉnh Trà Vinh chuyển đổi đất lúa kém hiệu quả 1.784 ha. Chủ yếu là trồng bắp, đậu phộng, rau cải các loại và trồng cỏ chăn nuôi bò.
Theo Sở NN-PTNT Trà Vinh, cùng với việc trồng mới vườn cây ăn trái, chương trình cải tạo vườn tạp, chuyển đổi đất trồng lúa kém hiệu quả ở Trà Vinh đã góp phần thúc đẩy chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi trên địa bàn tỉnh đạt được nhiều kết quả đáng kể.
Cụ thể, tốc độ tăng giá trị sản xuất toàn ngành nông nghiệp giai đoạn 2017-2020 là 3,5%/năm. Cơ cấu kinh tế nông nghiệp chuyển dịch theo hướng tích cực, giảm trồng trọt và chăn nuôi, tăng thủy sản theo đúng định hướng của tỉnh, hình thành được một số vùng sản xuất tập trung các sản phẩm chủ lực của tỉnh.
Giá trị sản xuất/ha đất trồng trọt đạt 130 triệu đồng/năm, tăng 13,3 triệu đồng/ha so với năm 2016. Giá trị sản xuất/ha đất nuôi thủy sản đạt 360 triệu đồng/năm, tăng 143 triệu đồng/ha.
Thu nhập của cư dân nông thôn đã tăng từ 26,94 triệu đồng năm 2016 lên 32 triệu đồng/người năm 2020, tăng 1,2 lần, góp phần quan trọng trong công tác giảm nghèo ở nông thôn.
Theo UBND tỉnh Trà Vinh, mục tiêu kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa kém hiệu quả giai đoạn 2021-2025 nhằm chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa sang trồng các loại cây trồng hàng năm, cây lâu năm hoặc kết hợp nuôi trồng thủy sản để nâng cao hiệu quả sử dụng đất, tăng thu nhập cho các hộ tham gia sản xuất.
Bên cạnh đó, tổ chức lại sản xuất nông nghiệp ở một số vùng, khu vực trên địa bàn tỉnh nhằm khai thác có hiệu quả tiềm năng, lợi thế về đất đai, nguồn nước, lao động của từng địa phương, tạo thuận lợi để phát triển nông nghiệp bên vững. Cùng với đó, hình thành và phát triển các vùng sản xuất chuyên canh hàng hóa nông sản tập trung quy mô lớn gắn với tiêu thụ sản phẩm góp phần nâng cao giá trị sản lượng trên một ha đất nông nghiệp.
Để tiếp tục phát huy những kết quả đạt được, đồng thời đẩy mạnh hơn nữa quá trình chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi trên địa bàn tỉnh theo hướng phát triển nông nghiệp hàng hóa quy mô lớn hiện đại, thích ứng với BĐKH.
Theo đó, HĐND tỉnh Trà Vinh đã ban hành Quy định một số chính sách hỗ trợ tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh Trà Vinh giai đoạn 2021-2025 tại Nghị quyết số 03/2021/NQ-HĐND ngày 19/3/2021. Trong đó, chính sách đầu tư theo Nghị quyết số 03 tăng hơn 50% so với các Nghị quyết trước đó.
Viết bình luận