Trái cây bản địa thắng lớn

Bưởi là một lợi thế xuất khẩu của hàng trái cây VN

Trong khi nhiều ngành hàng của VN đang nhập siêu thì mặt hàng rau quả VN tiếp tục xuất siêu. Đến hết tháng 7/2009 tương quan cán cân XNK rau quả là 270 triệu USD- 160 triệu USD. Làm nên thành công này chính nhờ có các giống cây trái bản địa. 


Các chuyên gia cây ăn trái nước ngoài khi đến VN đều ồ lên thán phục trước sự đa dạng chủng loại trái cây Việt Nam. Ngoài các trái cây đặc thù nhiệt đới phía Nam như: sầu riêng, măng cụt, vú sữa, chôm chôm, thanh long, mãng cầu ta, mãng cầu xiêm…thì trái cây vùng nhiệt đới, ôn đới ở các tỉnh phía Bắc như vải thiều, lê, táo, hồng Hạc, mận Tam Hoa, dẻ Cao Bằng...đã làm dài thêm danh sách các giống trái cây bản địa đặc thù chỉ riêng Việt Nam có. Mỗi trái cây này lại có đặc tính nổi tiếng với từng địa danh như cam Bố Hạ, cam xã Đoài, sầu riêng Chín Hoá, sầu riêng Ri-6, bưởi Năm Roi, vú sữa Vĩnh Kim, Lò Rèn, xoài cát Hoà Lộc, cát Chu…


Một DN chuyên XK trái cây tại TPHCM thừa nhận khi XK những trái cây này rất...sướng vì không bao giờ đụng hàng với trái cây nước ngoài, ngay cả với Thái Lan- vương quốc trái cây hay Đài Loan, một vùng đất luôn có những trái cây khá độc đáo về chất lượng cũng như mẫu mã. Vì vậy thật dễ hiểu khi các DN ngày càng tránh XK các trái cây phổ thông luôn có sẵn nguồn hàng, thay vào đó DN thường tìm đến các địa phương hợp tác với người dân xây dựng vùng nguyên liệu của chỉ một loại trái cây- dĩ nhiên càng "độc" càng tốt, từ đó xây dựng thương hiệu và XK.


Song lợi thế là vậy, nhưng các chủng loại trái cây nước ta tham gia thị trường XK vẫn còn khiêm tốn. So sánh vì sao trái cây VN rất ngon nhưng lại thua thiệt trên thị trường cạnh tranh với những mặt hàng cùng loại của Thái Lan, Malaisya, GS-TS Nguyễn Văn Luật, Chủ tịch Hội Giống Cây trồng Nam bộ nhìn nhận: “Cho đến nay chưa thấy giống cây ăn quả nào nhập vào vượt trội hơn giống bản địa. Tuy nhiên ta thua họ ở những chuyện rất nhỏ- như độ an toàn thực phẩm thấp, không đáp ứng đủ số lượng, độ đồng đều trái chưa cao, rồi cách giao hàng không chuyên nghiệp. Tóm lại những điểm yếu râu ria này nhiều khi đã "giết" chết những lợi thế mà chỉ riêng trái cây bản địa Việt Nam mới có”.


XK đã vậy nhiều khi ngay trên sân nhà trái cây bản địa VN cũng thua thiệt. Lý do là vườn cây chuyên canh nhỏ bé, số lượng hàng ít, mỗi loại trái cây chỉ có một thời vụ nhất định trong khi chúng ta thiếu các phương tiện bảo quản. Ví như mận Bắc Hà cực ngon nhưng chỉ thu hoạch ồ ạt trong khoảng 1 tháng, chuyển từ các bản ra quốc lộ mất khá nhiều thời gian, đến khi trái cây về TP đã giảm chất lượng đi khá nhiều. Vải thiều Lục Ngạn cũng rơi vào tình trạng tương tự. Nói tóm lại tính độc đáo của trái cây bản địa phải có thêm các "phụ trợ" đi kèm như công nghệ thu hoạch, bảo quản, chiến lược tiếp thị thì mới phát huy hiệu quả.


Đó là chưa kể việc chuyển giao TBKT về giống chậm chạp, quy hoạch các vùng cây ăn trái bản địa chưa có tầm nhìn vĩ mô. TS Nguyễn Minh Châu- Viện trưởng Viện Nghiên cứu cây ăn quả miền Nam chứng minh: “SOFRI đã lai tạo giống thanh long ruột đỏ thành công được Bộ NN- PTNT công nhận năm 2005, nhưng tiếc rằng việc khai thác chuyển giao tới nhà vườn nước ta còn quá chậm. Mới đây khi tôi sang Malaisya, các khách sạn ở đây đều có sản phẩm thanh long ruột đỏ chứng tỏ họ nhanh hơn ta, do họ có những 
trang trại tư nhân sản xuất qui mô lớn 1.000-2.000 ha”.



Theo Bao Nong Nghiep Viet Nam 

Viết bình luận