Trấn Yên đẩy mạnh tái cơ cấu nông, lâm nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa
Với những tiềm năng và lợi thế để phát triển ngành nông, lâm nghiệp, huyện Trấn Yên (Yên Bái) đang tập trung thực hiện hiệu quả đề án tái cơ cấu kinh tế ngành nông, lâm nghiệp, phát huy những tiềm năng, thế mạnh để phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp, các sản phẩm chủ lực theo hướng sản xuất hàng hóa và đã đạt được một số tín hiệu khả quan.
Dự án sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm trồng dâu - nuôi tằm và chế biến kén tằm, thực hiện ở 10 xã của huyện Trấn Yên. |
Đến nay, huyện Trấn Yên đã thực hiện thành công việc cơ cấu lại ngành nông, lâm nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa gắn với xây dựng nông thôn mới và đạt đươc nhiều kết quả quan trọng, nổi bật và khá toàn diện, đạt được mục tiêu cốt lõi đó là nâng cao chất lượng đời sống, vật chất, tinh thần của nhân dân trên địa bàn.
Đồng chí Trần Đông, Chủ tịch UBND huyện Trấn Yên (Yên Bái) cho biết: Trong tái cơ cấu ngành nông, lâm nghiệp, địa phương đã tập trung thực hiện đồng bộ các các giải pháp từ công tác quy hoạch vùng sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng nâng cao giá trị và hiệu quả; đổi mới tổ chức sản xuất theo hướng liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị từ khâu sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm; trong sản xuất đã ứng dụng mạnh mẽ các tiến bộ khoa học kỹ thuật, tạo dựng thương hiệu các sản phẩm nông nghiệp chủ lực, chủ động tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm, phát triển mở rộng quy mô diện tích các vùng sản xuất hàng hóa tập trung và các sản phẩm chủ lực theo hướng nâng cao chất lượng, giá trị, hiệu quả; đa dạng hóa cây trồng, vật nuôi để có sản phẩm đặc trưng phù hợp với điều kiện lợi thế của từng địa phương và nhu cầu thị trường, tăng tổng sản phẩm và giá trị sản xuất...
Theo đó, địa phương đã xây dựng và hình thành các vùng sản xuất hàng hóa với quy mô lớn với các sản phẩm chủ lực có thế mạnh của huyện với khối lượng lớn và có giá trị theo nhu cầu của thị trường; giá trị tổng sản phẩm nông, lâm nghiệp, thủy sản đạt trên 1.400 tỷ đồng, góp phần tăng thu nhập, cải thiện và nâng cao đời sống của nhân dân, các vùng sản xuất hàng hóa tập trung có liên kết theo chuỗi giá trị với khối lượng các sản phẩm chủ lực.
Cụ thể, Dự án trồng măng tre Bát Độ với quy mô trên 3.700 ha, sản lượng măng vỏ tươi đạt 74.000 tấn, giá trị 120 tỷ đồng; thu nhập trung bình trên 40 triệu đồng/ha/năm. Dự án tre Bát Độ đã góp phần giải quyết việc làm, xóa đói, giảm nghèo và giúp nhiều người địa phương vươn lên làm giàu. Sản phẩm măng được tiêu thụ ổn định, giúp người dân yên tâm sản xuất, vùng tre Bát Độ trên địa bàn huyện Trấn Yên ngày càng được mở rộng, sản lượng măng ngày một tăng, hướng tới nền nông nghiệp hàng hóa bền vững.
Dự án măng tre Bát Độ đã góp phần giải quyết việc làm và giúp nhiều người dân Trấn Yên vươn lên làm giàu. |
Dự án phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm trồng dâu - nuôi tằm và chế biến kén tằm, thực hiện ở 10 xã trong vùng trồng dâu nuôi tằm của huyện, tổ chức liên kết với 10 Hợp tác xã (HTX) và 97 tổ hợp tác với tổng số gần 800 thành viên tham gia, xây dựng mối liên kết tiêu thụ sản phẩm kén tằm giữ các hộ sản xuất với tổ hợp tác, hợp tác xã trồng dâu nuôi tằm, quy mô diện tích 670 ha; sản lượng kén tằm 800 tấn, giá trị trên 80 tỷ đồng; các tiến bộ kỹ thuật trong trồng dâu nuôi tằm được áp dụng chặt chẽ, đồng bộ; hướng sản xuất dâu tằm theo hữu cơ, hạn chế việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, thuốc trừ cỏ trên các cánh đồng dâu, khắc phục được tình trạng ô nhiễm môi trường và đảm bảo an toàn trong sản xuất nuôi tằm; trồng dâu nuôi tằm đem lại hiệu quả cao trong chuyển dịch cơ cấu cây trồng trên địa bàn huyện; giá trị thu nhập trung bình đạt từ 220 đến 250 triệu đồng/ha/năm, cao hơn so với sản xuất lúa từ 2,5 đến 3 lần, đã tạo được chuỗi liên kết giữa các hộ, các tổ hợp tác, HTX trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm kén tằm;
Dự án phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị gắn với tiêu thụ sản phẩm quế hữu cơ Trấn Yên: Hợp tác xã quế hồi Việt Nam liên kết với Công ty quế hồi Việt Nam phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm quế hữu cơ cho gần 1.000 hộ dân Trấn Yên với diện tích 1.755ha tại các xã Tân Đồng, Đào Thịnh, Việt Thành, Hòa Cuông; nâng giá trị sản xuất 1ha quế từ 7- 9 năm tuổi đạt 400 triệu đồng/ha. Thông qua dự án, 578 hộ nông dân (khoảng 2.312 lao động) tham gia chuỗi sản xuất quế chứng nhận hữu cơ được tiếp cận với phương thức sản xuất tiên tiến góp phần xóa đói, giảm nghèo nhờ tăng thu nhập từ công việc sản xuất quế; đồng thời được nâng cao dân trí về ứng dụng khoa học vào sản xuất, nâng cao nhận thức và kỹ năng trong lĩnh vực canh tác nông nghiệp, lâm nghiệp hữu cơ bền vững;
Chuỗi phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm gà thương phẩm: HTX liên kết với 60 hộ chăn nuôi gà tại 7 xã của Trấn Yên, trong đó có 45 hộ tham gia thực hiện dự án hỗ trợ phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị gắn sản xuất với tiêu thụ gà thương phẩm, 15 hộ liên kết theo nhóm hộ, với quy mô nuôi 220.000 con/lứa, số con xuất chuồng là 50.000 con/tháng, sản lượng thịt hơi xuất chuồng 120 tấn/tháng (1.400 tấn/năm); hợp đồng tiêu thụ gà với 2 thị trường lớn là Hà Nội và Phú Thọ số lượng 100-120 tấn gà thương phẩm/tháng với giá cả theo thời điểm thị trường…
Thông qua dự án, 578 hộ nông dân tham gia chuỗi sản xuất quế chứng nhận hữu cơ ở Trấn Yên được tiếp cận với phương thức sản xuất tiên tiến góp phần xóa đói, giảm nghèo. |
Kết quả sản xuất năm 2020, HTX và 45 hộ liên kết theo chuỗi giá trị đã xuất bán trên 450.000 gà thương phẩm, đạt sản lượng thịt hơi trên 1.000 tấn, doanh thu đạt 55 tỷ đồng, lợi nhuận đạt trên 10 tỷ đồng, trong đó: HTX chăn nuôi tập trung xuất bán 100.000 gà, đạt sản lượng trên 230 tấn, doanh thu trên 12 tỷ đồng.
Hiện huyện Trấn Yên hiện có 12 sản phẩm OCOP đạt tiêu chuẩn từ 3 sao trở lên. Các sản phẩm nông nghiệp như: măng tre Bát Độ, quế, quả có múi, cây dược liệu, sản phẩm chăn nuôi gia súc, gia cầm, đã có 04 chuỗi sản xuất liên kết sản xuất bền vững.
So với trước khi thực hiện dự án, trước đây người chăn nuôi luôn lo lắng về chất lượng vật tư đầu vào sản xuất, sản phẩm sản xuất ra khó tiêu thụ hoặc không tiêu thụ được, đặc biệt trong chăn nuôi gia cầm, nếu thời gian nuôi kéo dài sẽ làm tăng chi phí sản xuất, giảm lợi nhuận hoặc phải bù lỗ. Việc thực hiện sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị giúp cho HTX và các hộ liên kết có chuỗi sản xuất ổn định từ nguồn cung ứng vật tư đầu vào gồm con giống, thức ăn, thuốc thú y đảm bảo chất lượng, có quy mô sản xuất lớn đáp ứng nhu cầu thị trường, có thị trường tiêu thu sản phẩm ổn định không chỉ đáp ứng quy mô sản xuất hiện có mà có thể mở rộng quy mô lên 300.000 con/tháng. Đây là cơ sở để nghành chăn nuôi của huyện phát triển ổn định giảm rủi ro trong sản xuất.
“Trong thời gian tới, địa phương sẽ tiếp tục đổi mới và phát triển các hình thức tổ chức sản xuất, tạo điều kiện để thu hút, mời gọi các doanh nghiệp có năng lực, uy tín, chiến lược sản xuất, kinh doanh đầu tư vào lĩnh vực sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm nông sản chủ lực; đẩy mạnh thực hiện liên kết và nâng cao hiệu quả của các dự án sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm đối với các sản phẩm chủ lực của huyện; tiếp tục phát triển mạnh các sản phẩm chủ lực, nâng cao chất lượng, giá trị và sức cạnh tranh của sản phẩm nông sản, xây dựng thương hiệu và đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại cho các sản phẩm chủ lực, nhất là đẩy mạnh thực hiện xây dựng nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý cho các sản phẩm nông lâm nghiệp chủ lực; đồng thời hỗ trợ chứng nhận sản phẩm nông nghiệp an toàn theo tiêu chuẩn trong nước và quốc tế; xây dựng các sản phẩm nông sản chủ lực đều có tem truy xuất nguồn gốc...làm nền tảng vững chắc thực hiện thành công tái cơ cấu kinh tế ngành nông, lâm nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa...” – Đồng chí Trần Đông, Chủ tịch UBND huyện Trấn Yên nói.
Viết bình luận