TRANG TRẠI NA DAI CÓ MỘT KHÔNG HAI TRÊN ĐẤT AYUN PA CỦA “KỲ KHÙNG”

Từ một mảnh đất sỏi đá, cằn cỏi quanh năm bỏ hoang dưới chân đèo Tô Na, thôn Đức Lập, xã Ia Rtô, thị xã Ayun Pa (Gia Lai) anh Lê Viết Kỳ (46 tuổi)-“Kỳ khùng” đã biến thành 1 trang trại na dai xanh tốt và luôn trĩu quả có một không hai trên vùng đất Ayun Pa này.

“Quả ngọt” trên đất sỏi, đá

Đến xã Ia Rtô, thị xã Ayun Pa hỏi nông trại na (cây mãng cầu ta) của anh “Kỳ khùng” thì không ai không biết. Càng đặc biệt hơn khi anh là người tiên phong đưa cây na về trồng ở vùng đất Ayun Pa này. Thăm nông trại na dai của anh Lê Viết Kỳ vào một buổi chiều cuối năm 2017, nằm dọc bên quốc lộ 25, dưới chân đèo Tô Na, chúng tôi không khỏi choáng ngợp, khi được biết vườn na xanh tốt, đang cho trĩu quả cung cấp cho thị trường Tết Nguyên đán trước đây lại là một vùng đất khô cằn, sỏi đá bị bỏ hoang.

trang trai na dai co mot khong hai tren dat ayun pa cua "ky khung" hinh anh 1

Vùng đật cằn cỗi ngày nào, dưới khối óc và đôi bàn tay anh Lê Viết Kỳ nay đã đơm hoa, kết trái. 

Có một xưởng gara hẳn hoi với thu nhập ổn định nhưng với lòng đam mê và thích mạo hiểm, anh Kỳ đã quyết định bỏ nghề gara, mang hết vốn liếng tích góp bao năm đầu tư mua 3 ha đất ở thôn Đức Lập, xã Ia Rtô để trồng na-một loại cây còn khá xa lạ với người dân cũng như khí hậu, thổ nhưỡng nơi đây. Càng đáng nói hơn khi mảnh đất mà anh Kỳ quyết định mua là đất đồi dốc, sỏi đá, cằn cỏi không thể trồng bất cứ loại cây gì trước đó. Cũng vì quyết định không giống ai ấy mà người dân nơi đây đặt cho anh biệt danh “Kỳ khùng”.

Mặc những lời can ngăn từ bạn bè, gia đình, anh bắt tay vào công cuộc cải tạo mảnh đất được người dân nơi đây ví là “chó ăn đá, gà ăn sỏi” này. Với đức tính cần cù, chịu khó ngấm sâu trong máu của người con Quảng Nam, vừa làm vừa học hỏi bạn bè, qua mạng internet, sau 3 năm vật lộn với bao khó khăn, mảnh đất cằn cỏi ngày nào nay đã nở hoa, cho “quả ngọt”.

“Dù đất này không trồng được các loại cây trồng khác nhưng lại đặc biệt hợp với cây na, cây na sinh trưởng và phát triển tốt, quả to, vị ngọt thanh, cơm dày và dai hơn na những nơi khác nên rất được thị trường ưa chuộng. Đợt thu bói vừa rồi (khoảng tháng 5-6) tôi thu được khoảng 6 tấn/2.400 cây, bán tại vườn với giá trung bình 30 ngàn đồng/kg, sau khi trừ chi phí tôi thu lãi trên 100 triệu đồng.

Vụ thu hoạch đúng vào dịp Tết Nguyên đán 2018 cho năng suất cao hơn, giá cũng tăng cao hơn vì nhu cầu lúc đó rất lớn, như năm trước giá mua tại vườn dao động trên dưới 80 ngàn đồng/kg tùy kích thước quả.”-anh Kỳ cho biết.

trang trai na dai co mot khong hai tren dat ayun pa cua "ky khung" hinh anh 2

Tưới nước để ép na ra trái vụ. 

Để bán được giá cao và thị trường ổn định hơn, anh Kỳ đã áp dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật vào chăm sóc để ép na ra quả trái vụ, giá thường tăng gấp đôi so với giá na chính vụ. Đặc biệt, không những luôn bán na với giá cao, anh Kỳ còn tăng sản lượng na khi ép cho na ra trái 2 vụ/năm (thường na chỉ ra trái 1 vụ vào khoảng tháng 9 hàng năm), trong đó tập trung vào vụ Tết Nguyên đán. Hiện đã có 5-6 thương lái từ Đà Nẳng, Kon Tum đến đặt hàng với gia khá cao.

“Để cây na ra quả rất dễ, chỉ cần cắt cành, lặt lá, tưới nước và bón thêm một ít phân kích thích là cây ra hoa, kết trái. Cái khó là mình chăm sóc, dưỡng cây cho khoa học, làm sao để cây không bị kiệt sức khi cho thu hoạch 2 đợt/năm”-anh Kỳ cho biết thêm.

Mong muốn xây dựng thương hiệu “na sạch” Ayun Pa

Dù đang áp dụng các quy trình chăm sóc na rất khoa học, đảm bảo cung cấp cho thị trường những quả “na sạch”, không dư lượng thuốc bảo vệ thực vật. Anh Kỳ hầu như chỉ sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật sinh học để phòng và trị sâu bệnh hại, đặc biệt khi đến thời kỳ thu hoạch thì tuyệt đối không sử dụng bất kỳ loại thuốc gì để phun cho cây. Bên cạnh đó, anh luôn áp dụng các quy trình chăm sóc cây bằng phân hữu cơ, phân chuồng, rất ít sử dụng phân hóa học nên cây sinh trưởng khá bền vững, ít sâu bệnh và không bị kiệt sức dù ép cây ra quả 2 vụ trên năm.

Thế nhưng, anh Kỳ cho biết, để người tiêu dùng tin tưởng và sử dụng sản phẩm của mình, tạo nên một thương hiệu “na sạch” thì mình cần xây dựng một quy trình sản xuất khoa học hơn, người tiêu dùng có thể nắm bắt, giám sát được từ đầu đến cuối. Do đó, tôi mong muốn các ngành chức năng hỗ trợ, giúp đỡ tôi về mặt kỹ thuật để xây dựng quy trình sản xuất “na sạch” đạt chuẩn, góp phần hình thành và phát triển thương hiệu “na sạch” Ayun Pa không chỉ được người tiêu dùng trong nước biết đến mà có thể được xuất ngoại trong thời gian không xa.

trang trai na dai co mot khong hai tren dat ayun pa cua "ky khung" hinh anh 3

Na dai ở đây được người tiêu dùng ưa chuộng hơn. 

“Nhu cầu thị trường về na rất lớn, đặc biệt là “na sạch” nên dù có mở rộng thêm diện tích bao nhiêu cũng không đủ cung cấp cho thị trường. Vì vậy, thời gian tới, bên cạnh việc tập trung xây dựng quy trình sản xuất “na sạch”, tôi sẽ tiếp tục mở rộng thêm diện tích cũng như giúp đỡ người dân nơi đây phát triển loại cây này, tiến tới hình thành tổ hợp tác sản xuất “na sạch” mang thương hiệu “made in Ayun Pa” đến với thị trường trong và ngoài nước”-anh Kỳ kỳ vọng.

Viết bình luận