Triệu phú mãng cầu xiêm

Đối với huyện đảo Tân Phú Đông (Tiền Giang) thiên nhiên khắt nghiệt, mỗi năm đến 6 tháng nguồn nước mặt bị nhiễm mặn, sản xuất đã hết sức khó khăn thì việc chọn cây trồng thích hợp để thâm canh làm giàu không hề dễ. 


Anh Lê Tấn Nghĩa cư ngụ tại ấp Tân Thành, xã Tân Phú, Tân Phú Đông đã làm được điều này. Với vườn mãng cầu xiêm 0,5 ha mỗi năm gia đình anh thu gần 80 triệu đồng và sau khi trừ đi các chi phí cần thiết còn lãi ròng gần 50 triệu đồng, nghiễm nhiên trở thành triệu phú trên miền đất khó. Mô hình của anh đang được ngành nông nghiệp địa phương nhân rộng để bà con cùng học tập áp dụng.



Nói về chuyện làm ăn của mình, anh Nghĩa cho biết diện tích canh tác kể trên trước kia vốn đất ruộng. Miền đất này thiên nhiên không ưu đãi cho cây lúa nên mải miết làm mỗi năm 2 vụ nhưng vẫn không đủ ăn bởi năng suất bấp bênh, thường xuyên đối mặt với hạn mặn gây hại. Có năm thời tiết bất thường coi như mất trắng, cả nhà phải đi làm thuê làm mướn nơi xa kiếm sống. Chuyển đổi sản xuất là yêu cầu bức bách trong đời sống. Được cán bộ khuyến nông tư vấn, anh Nghĩa mạnh dạn lên líp lập vườn trồng mãng cầu xiêm chuyên canh. Mãng cầu xiêm tỏ ra rất thích hợp với điều kiện vùng đất nhiễm mặn Tân Phú Đông, đặc biệt trồng giống mãng cầu xiêm ghép trên gốc bình bát cho trái sớm, trái sai, trái tốt đồng thời tuổi thọ cây rất cao mà lại ít bị sâu bệnh gây hại. Mãng cầu xiêm lại là trái cây được thị trường các tỉnh phía Nam rất ưa chuộng. Trong các năm qua luôn giữ ở mức giá cao, bình quân 4.000 đ đến 5.000 đ/kg thương lái mua tại vườn.


Thế nhưng để vườn cây đạt hiệu quả kinh tế như mong muốn, anh Lê Tấn Nghĩa quan tâm qui hoạch cây trồng, làm đất, 
bón phân và áp dụng đồng bộ các kỹ thuật thâm canh theo khoa học mà cán bộ khuyến nông đã hướng dẫn. Đối với khu đất nhà, để tiết kiệm và tận dụng đất, tránh lãng phí, trong năm đầu tiên anh đắp 400 mô trồng 400 cây mãng cầu xiêm ghép bình bát. Qui cách mỗi mô hình vuông kích thước 0,5 x 0,5 m, cao 0,3 m. Phần đất ruộng còn lại tiếp tục cấy lúa xen canh theo kiểu lấy ngắn nuôi dài. Đến năm thứ hai, khi mãng cầu đã lớn chuẩn bị khép tán anh mới đào mương lên líp toàn bộ thành vườn chuyên canh. 


Mãng cầu xiêm trồng trên đất ruộng mới lên líp như thế phát triển rất tốt, không cần bón phân hoặc nhiều công chăm sóc và chỉ sau 3 năm tuổi bắt đầu cho trái. Sang năm thứ tư trở đi năng suất ổn định và tăng cao theo từng năm. Theo anh Lê Tấn Nghĩa, để cây đậu trái sai nông dân cần áp dụng tốt kỹ thuật thụ phấn nhân tạo cho mãng cầu xiêm theo hướng dẫn của cán bộ kỹ thuật nông nghiệp. Hiện nay, trung bình mỗi năm vườn mãng cầu xiêm của anh Lê Tấn Nghĩa cho sản lượng trên 20 tấn trái. Cũng nhờ nguồn lợi từ cây trồng đặc hữu này mà gia đình anh vượt qua giai đoạn khó khăn, cất nhà cửa khang trang, kinh tế hộ ổn định một cách vững chắc và căn cơ.


Bài học kinh nghiệm quí mà anh nông dân giỏi Lê Tấn Nghĩa đúc kết được ở chỗ đất ít vẫn có thể làm giàu nếu biết chọn cây trồng 
vật nuôi phù hợp kết hợp với nhạy bén tiếp thu kiến thức khoa học trong thâm canh và cần cù, chịu khó. Đó chính là tư duy của những nông dân mới đang kiên trì định hướng nền nông nghiệp hàng hóa với những nông sản chất lượng tốt mà thị trường tiêu thụ đang rất cần.


Ông Nguyễn Văn Hải, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện đảo Tân Phú Đông đánh giá cao mô hình trồng mãng cầu xiêm chuyên canh của anh Lê Tấn Nghĩa. Ông Hải khẳng định đây là hạt nhân của phong trào lập vườn trên vùng đất nhiễm mặn bằng cây trồng đặc hữu cho hiệu quả kinh tế cao. Từ thực tiễn làm giàu của anh Lê Tấn Nghĩa, Tân Phú Đông cũng qui hoạch các xã Tân Thới, Tân Phú có điều kiện thuận lợi về trình độ thâm canh, đất đai, thổ nhưỡng nhằm phát triển vùng trồng chuyên canh mãng cầu xiêm có lợi thế cạnh tranh giúp nông dân làm giàu nhanh


Bao Nong Nghiep Viet Nam 

Viết bình luận