Qua quá trình hợp tác đưa sinh viên đi thực tập nghề nghiệp tại Israel và tìm hiểu về sản xuất nông nghiệp của họ mới thấy rõ yếu tố con người quan trọng. Việt Nam với 70% dân số làm nông nghiệp nhưng bước vào kinh tế thị trường thấy còn thiếu nhiều thứ. Chúng ta có thể làm giàu từ nông nghiệp không? Có thể giúp đất nước phát triển bắt đầu từ nền tảng nông nghiệp không?
Thực tế đã có nhiều điển hình giàu có nhờ nông nghiệp như: “làm giàu từ chuối, từ đu đủ, Cam quit, Na, Hồng, từ trồng hoa, cây cảnh, từ rau thơm, từ cá, từ rắn rết bọ cạp ễnh ương”…. Cả một kho tấm gương làm giàu như thế, diễn ra hàng ngày. Phải chăng vì không bạn trẻ nào muốn làm nông nghiệp? Phải chăng vì làm nghề nông, làm người nông dân nghe nó “tầm thường” hay “hèn mọn” quá đi? Bao nhiêu cử nhân rời trường đại học Nông-Lâm giờ họ đang làm gì? Đang có những trang trại riêng hay đang cố gắng tìm một công việc gì đó nghe nó sang trọng “văn phòng” hơn để bám trụ nơi thành phố?
Làm nông nghiệp có phải chỉ đơn giản là nuôi và trồng, thu hoạch và bán nông sản không? Làm nông nghiệp có giàu nổi không? Hoàn toàn có thể làm giàu từ nông nghiệp và là giàu bền vững, không giới hạn khả năng. Nông nghiệp như là một môi trường tuyệt vời, sẽ trả công xứng đáng cho những người xứng đáng, yêu mến nó, hết lòng vì nó và nhất là không xem thường nó:
Những ví dụ về các tỷ phú nông nghiệp
Ví dụ 1: Bưởi Diễn, năm 2013 toàn huyện Lục Ngạn có 160 ha cho thu hoạch, tập trung ở các xã Thanh Hải, Giáp Sơn, Hồng Giang, Tân Quang, Tân Mộc. Sản lượng ước đạt gần 1.200 tấn, tăng 200 tấn so với năm ngoái. Hiện, sản phẩm được các thương nhân ở TP. Bắc Giang, Hà Nội, Phú Thọ, Bắc Ninh về tận nơi thu mua với giá bình quân 20.000 đồng/kg, doanh thu ước đạt hơn 23 tỷ đồng.
Ví dụ 2: "Ở Lục Ngạn hiện có 12 hộ nông dân thu nhập hơn một tỷ đồng một năm. Riêng mô hình trang trại cây ăn quả cho thu nhập từ hơn 100 triệu đồng một năm, toàn huyện Lục Ngạn có gần 5.000 hộ. Ngoài thiên nhiên ưu đãi thì điều làm nên một vùng đất có nhiều nông dân triệu phú và tỷ phú này chính là nhờ vào sự nhạy bén của mỗi hộ trong lựa chọn một mô hình kinh tế trang trại phù hợp, họ dám nghĩ, dám làm và biết khai thác lợi thế của địa phương, cũng như thế mạnh của gia đình để làm giàu một cách chính đáng", Theo ông Chu Văn Báo, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Lục Ngạn.
Ví dụ 3: “Vua mít Ba Lập” ở tiền giang bắt đầu từ 10 cây mít giống trong một lần đi thăm bà con ở Đồng Nai. Ông được giới thiệu về một loại mít có nguồn gốc từ Thái, tò mò mua 10 cây giống về trồng thử. Chăm sóc kỹ và đợi một năm rưỡi sau, 10 cây mít đầu tiên cho trái. Ông ăn thử thấy rất ngon mới bắt đầu ghép cành, nhân giống ra trồng đại trà. Đặc điểm của loại mít này là múi to, cơm dày, ăn giòn, ngọt thanh, rất ít xơ và mủ. Thế là từ 10 cây giống đầu tiên, ông ghép cành và nhân ra lần đầu khoảng 50 cây rồi tăng dần lên, đến nay vườn mít 9.000m2 của ông có chừng 600 cây mít đủ cỡ. Ông Lập cho biết đặc điểm của loại mít này là không theo mùa mà ra trái thường xuyên, hết đợt này đến đợt khác liên tục, chu kỳ từ khi ra hoa đến khi thu hoạch gần 4 tháng. Vì vậy, để trái có trọng lượng lớn, bán được giá cao, cần phải tỉa bỏ bớt. Tùy theo độ tuổi của cây mà chừa trái cho thích hợp.
Trung bình nếu bón phân, tưới nước đầy đủ thì mỗi đợt chỉ nên chừa lại chừng 10 trái mỗi cây. Khi thu hoạch, mỗi trái có trọng lượng từ 20 đến trên 30 kg là bình thường. Càng ít trái thì trọng lượng mỗi trái càng lớn. Với giá mít dao động từ khoảng 28.000 đến 34.000 đồng/kg như hiện nay, mỗi trái mít có thể bán được hơn 500.000 đồng. Như vậy mỗi đợt thu hoạch, một cây mít có thể thu được trên 6 triệu đồng và một năm có thể thu hoạch được 3 lần. Vườn mít của ông Lập có chừng 600 cây nên mỗi năm có thể thu được tiền tỉ là dễ hiểu. Đó là chưa kể nguồn thu nhập từ bán cây giống. Chỉ riêng năm 2011 ông Lập cung cấp ra thị trường gần 20.000 cây mít giống. Với giá 12.000 đồng/cây, ông thu nhập thêm hàng trăm triệu đồng.
Thế là ông trở thành “Vua mít”, thành tỷ phú nhờ mít. Thật đáng thèm thuồng!
Ví dụ 4: Ông “Sang cam sành” ở Trà Vinh: Là một trong những tỷ phú cam sành của xã Tam Ngãi, Hai Sang hiện canh tác 3,5 ha đang giai đoạn cho trái. Chỉ tính mùa cam năm 2010 và 2011, ông thu về hơn 3 tỷ đồng. Bí quyết của Hai Sang là trồng cam nghịch vụ. Nghề trồng cam vùng này lâu nay mỗi héc ta thu vài trăm triệu đồng là chuyện thường. Nhưng trong 3 năm liên tục, mỗi héc ta cam nghịch vụ thu bạc tỉ, khiến bản thân Hai Sang cũng cảm thấy… sửng sốt. Từ 2009 tới nay, chỉ với chưa đầy một mẫu đất, Hai Sang thu về hơn 4 tỷ đồng, con số trước đây có mơ ông cũng không dám nghĩ tới. Vì Cam chính vụ giá 4.000-5.000 đồng/kg, mỗi héc ta bình quân 25 tấn, nhà vườn thu hơn 100 triệu đồng, vẫn cao hơn lúa. Còn trồng trái vụ, mỗi kg giá 25.000-30.000 đồng, có khi cao hơn nên thu về tiền tỉ cũng không có gì lạ.
Ngoài ra còn vô vàn những lão nông với thu nhập khủng, tính bằng tiền tỷ mỗi năm như ông “Vua lúa Chín Táo” với tổ hợp sản xuất diện tích hàng trăm ha, cung ứng ra thị trường tới 10.000 tấn lúa giống/năm, doanh thu 70-80 tỉ đồng. Hay ông Biền – Tiền Giang thu nhập hơn tỷ đồng mỗi năm nhờ cây khóm trên vùng đất phèn vùng Đồng Tháp Mười. Hay anh Tấn Tài với những nhạy bén trong chăn nuôi heo gà, cá sấu đã giúp anh gầy dựng cơ ngơi cả chục tỷ đồng chỉ sau vài năm… Những tấm gương đó bạn có thể tham khảo ở đây.
Những tấm gương trên thật đáng ngưỡng mộ, nhưng họ đều là những nông dân thuần túy. Thành công của họ không phải ai muốn cũng có thể bắt chước làm theo và đạt được điều họ đã đạt. Nhưng không có gì là không thể ? Sao chúng ta biết chúng ta không thể nếu ta không thử? Và thế hệ trẻ như chúng ta, được biết, được học và được tiếp xúc với khoa học – công nghệ – kỹ thuật càng nhiều, thì ta lại càng có nhiều cơ hội để thành công và thậm chí là thành công vượt bậc nữa kìa.
Ví dụ 5: Nguyễn Văn Bách (1981, Tuyên Quang) năm 2010 anh bắt đầu nghiên cứu và đưa giống chanh tứ mùa từ Đà Lạt về trồng với số cây giống ban đầu là 100 cây. Đến nay mỗi năm, anh thu được 20 tấn quả trị giá 400 triệu đồng; ngoài ra anh còn thu nhập từ việc bán cây giống 750 triệu đồng. Tổng doanh thu 1 năm đạt hơn 1,1 tỷ đồng.
Ví dụ 6: Tốt nghiệp khoa cơ khí trường đại học sư phạm kỹ thuật TP.Hồ Chí Minh năm 2000, trong khi bạn bè kéo nhau đi kiếm việc ở các công ty với mức lương khá cao thì anh Vũ Văn Vương (Xuân Lộc) lại khăn gói về quê để làm nông dân. Anh chia sẻ: “Thấy bà con trồng rau vất vả quanh năm mà thu nhập vẫn thấp nên tôi muốn mình sẽ làm mô hình điểm về trồng rau năng suất cao và tự tìm đầu ra cho mình và bà con. Có đầu ra ổn định, lợi nhuận sẽ cao.” Hiện tại, rau do gia đình anh Vương sản xuất đã được một doanh nghiệp ở TP. Hồ Chí Minh đặt hàng với giá ổn định. Từ hai bàn tay trắng, nhờ trồng rau hiện anh Vương đã có trong tay cơ ngơi khang trang với lợi nhuận thu được mỗi năm vài trăm triệu đồng. Và khoản tiền lời đã được anh đầu tư vào việc mua đất để mở rộng sản xuất.
Ví dụ 7: anh Quyền (Đà Nẵng) cầm tấm bằng cử nhân Quản trị du lịch cùng bằng cử nhân luật đi xin việc ở thành phố. Nhờ người thầy giáo thời đại học giới thiệu mô hình trồng nấm rơm, anh quyết định vay tiền làm liều. Chỉ trong vòng 1 năm anh giàu lên trông thấy, dư tiền mua xe hơi xây nhà lầu nhưng anh lại chọn cách tiết kiệm để giúp những bà con lối xóm xung quanh cùng giàu với mình. Khi không còn đất để tiếp tục do bị giải tỏa, anh mày mò tìm hiểu kỹ thuật trồng nấm tiên tiến ít lệ thuộc vào đất và đã thành công. Anh Quyền tiết lộ, hiện thu nhập của anh từ trồng nấm khoảng 50 triệu đồng/tháng. Có điểm tựa vững chắc anh mạnh dạn nghiên cứu để từng bước cho ra thị trường các sản phẩm đặc biệt từ nấm như: Nước mắm nấm, mắm ruốc từ nấm.
Ví dụ 8: Trương Văn Dư (1981, Hà Nội) Tốt nghiệp Đại học ngành khoa học cây trồng. Bắt đầu từ sản xuất cà chua giống ghép trên cây cà tím trên diện tích ban đầu là 8.000 m2. Không lâu sau đó, anh đã thành công khi ghép được 18.000 cây giống đưa ra thị trường. Năm 2012 anh Dư đã quyết định thành lập Công ty cổ phần GreenFarm. Hiện diện tích sản xuất của Green Farm đã được mở rộng và công suất ghép hàng năm được 2,5 triệu cây giống, với giá bán 1.200 đồng mỗi cây. Ngoài ra, anh còn phát triển thêm diện tích hơn 1,5ha trồng rau an toàn cung cấp cho các nhà bán lẻ ở khắp nhiều tỉnh thành. Anh cho biết, năm 2013, doanh thu từ tiền cây giống ghép khoảng 3 tỷ, sau khi trừ các chi phí thì lợi nhuận đạt trên một tỉ đồng. Còn lợi nhuận từ sản xuất rau an toàn vào khoảng 300 triệu đồng. Những con số trong mơ với phần lớn những thạc sĩ ham biên chế nhà nước…
Ví dụ 9: Làm truyền thống thì 1 ha thanh long 1 năm thu vài trăm triệu/vụ thôi, nhưng hiện nay công nghệ rãi vụ thu hoạch 1 năm có thể thu nhiều vụ và cho thu cả tỷ đồng. Nhà nghèo thì 1-2ha, trung bình thì 5-6ha, nhà giàu thì 10-40ha, đại gia thì 50-100ha. Chi phí cho 1 ha khoảng 500tr/năm, trù chi phí rồi thì 1 ha thanh long 1 năm sẽ lãi 500 triệu”. Như vậy nghề nào sánh kịp.
Ví du 10: Ba năm gần đây (2011-2013) cam Cao Phong vừa được mùa vừa được giá. Riêng năm 2013, toàn huyện có gần 200 hộ thu nhập từ 500 triệu đến 1 tỷ đồng trở lên tiền bán sản phẩm cam, quýt, bưởi. Ông Nguyễn Hồng Thủy, Chủ tịch UBND thị trấn Cao Phong tâm sự: “Năm 2013, chúng tôi thống kê được 64 hộ thu nhập trên 1 tỷ đồng; 9 hộ thu nhập từ 3 – 8 tỷ. Năm nay (2014) giá cam lòng vàng (CS1) cao gấp đôi năm 2013. Tỷ phú ư, không đếm xuể. Thị trấn có hơn 100 hộ sắm ô tô con, cơ bản là của nông dân trồng cam”.
Như vậy là hiện hữu quanh ta có cả ngàn cả tỷ cơ hội để bạn làm giàu bằng nông nghiệp. Đó là cái giàu bền vững và thiết thực, chứ không chỉ đơn giản là mua đi bán lại những mặt hàng đơn lẻ hay chứng khoán, cổ phiếu. Bạn có thể không có nhiều đất đai, bạn có thể không có nhiều vốn, bạn có thể không biết gì về kỹ thuật và công nghệ… Không hề gì cả, Khoa Nông học, Trường Đại học Nông Lâm Thái Nguyên luôn đón chào mọi người đến học tập, thử nghiệm, tích lũy kiến thức và sẽ thành công trong tương lai gần.
Đến học tập tại khoa Nông học, nơi bạn sẽ được học nhiều điều, bạn không chỉ giàu nhờ bán quả, bán rau, bán hoa và cây cảnh mà bạn còn giàu nhờ bán cây con, hạt giống và nguyên liệu cho công nghiệp chế biến nữa. Rồi bạn sẽ lại nhận ra, cam không chỉ là cam, chuối không chỉ là chuối, rau không chỉ là rau…. Mà chúng còn có khả năng gia tăng lợi nhuận tới không ngờ, nếu như bạn biết sáng tạo, lai tạo chúng thành những thứ nghe có vẻ lạ lùng: chuối tím, thanh long ruột đỏ, xoài vỏ tím, dưa hấu ruột vàng, dưa hấu vuông, bưởi Phật, cây ngũ quả, bưởi lồ ô… Đó là những thứ đã có trên thị trường. Bạn có thể tạo ra gì đó, như khoai tây ăn vị như khoai lang, Cam ăn có vị như quả đào hay lạ lùng hơn là cho ra giống cây ăn quả mới có tác dụng chữa bệnh … Như vậy các bạn sẽ giàu lên rất nhanh.
Ai cũng muốn làm giàu, nhất là thế hệ trẻ, nhưng tại sao cứ phải là các ngành công nghệ, dịch vụ, kinh doanh mới chịu? Chúng ta chẳng có thế mạnh gì ở các lĩnh vực này cả, hơn nữa làm nông nghiệp không phải là làm kinh tế sao? Làm nông nghiệp thì không được thành lập công ty, không được làm giám đốc sao? Làm gì có chuyện đó. Nếu như bạn đang ước mơ làm giàu bền vững, nếu như bạn đang phân vân và hoài nghi về những dự định hay kế hoạch làm giàu trong tương lai. Hãy mạnh dạn thử một lần, bạn có thể trở thành tỷ phú Nông nghiệp.
Israel nổi danh vì những công nghệ sản xuất tiên tiến, xuất khẩu hàng đầu, Việt Nam chúng ta lại trở thành nước hàng đầu thế giới về những thứ trái cây lai tạo “thần tiên” không giống ai với đủ mọi hình thái, màu sắc, hình dạng và hương vị thì sao?. Điều đó hoàn toàn có thể xảy ra từ các bạn ? Biết đâu Việt Nam lại rạng danh vì những thứ: chuối tròn xoe Việt Nam, khoai lang-tây Việt Nam, sầu riêng không gai, xoài chín thơm mùi mít, trái bơ tự nhiên ngọt ngon không hạt có mùi sữa…
Hy vọng sẽ có nhiều bạn trẻ lựa chọn theo nông nghiệp để làm giàu chính đáng và chúc các bạn trở thành các công dân triệu phú, tỷ phú Việt Nam một ngày không xa nhé.
Viết bình luận