Từ chỗ lơ là với vườn cam vì không tin tưởng lắm vào hiệu quả, đến nay lão nông Hoàng Trung Thành – người dân tộc Thái ở bản Nà Mường (xã Tân Hợp, huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La) đã phất lên thành triệu phú cam Vinh.
Thả trâu bò vào vườn làm chết hơn 200 cây
Cũng như bao người dân khác trong bản, trước đây, gia đình ông Thành cũng chỉ biết trồng ngô để cứu đói qua những tháng ngày giáp hạt.
Ông Thành quan niệm rằng, cây cũng như con vật, nếu được chăm sóc tốt thì mới cho kết quả cao
Ông Thành tay chỉ quanh khu đất bằng phẳng ngay cạnh nhà, kể: “Trước đây, trên mảnh đất 3ha cam Vinh này được phủ kín toàn bộ bằng cây ngô. Không hiểu vì lý do gì, trồng 3ha ngô mà chỉ thu được vài ba tạ bắp. Cứ vào mùa giáp hạt, nhà tôi thiếu đói triền miên, mặc dù tôi cũng làm cỏ, bón phân đầy đủ như nhiều hộ khác nhưng cây còi cọc lắm. Hàng xóm vỗ vai tôi rằng: “Đây là đất đỏ, đất xốp, trồng ngô không phù hợp đâu ông Thành à”. Tôi buồn quá. Muốn chuyển đổi sang cây trồng khác nhưng thời đó, ngoài cây ngô, cây sắn ra chẳng biết phải trồng cây gì cả”.
Sống chật vật qua nhiều năm tháng, tình cờ, lão nông này được tư thương ở dưới xuôi lên bản Nà Mường buôn bán, giới thiệu rằng ở Hưng Yên có giống cam ngọt cho hiệu quả kinh tế cao. Theo những tư thương này thì đất ở Nà Mường phù hợp với giống cam Vinh.
Năm 2006, ông Thành xuống Hưng Yên và mua được 900 gốc cam Vinh (cao khoảng 30 – 40 phân) về trồng thử. “Tuy trồng phủ kín 3ha nhưng tôi bỏ đấy rồi đi làm việc khác để kiếm miếng ăn. Cây phát triển chậm, cỏ dại, cỏ gianh thi nhau mọc um tùm. Đang thiếu cỏ cho trâu ăn, gia đình thả cả đàn trâu vào đó. Về sau thấy cây bói lác đác vài quả, nếm thử rất ngọt. Lúc tôi bừng tỉnh ra thì đàn trâu đã giẫm nát, làm chết hơn 200 gốc” – ông Thành phì cười kể lại.
Đổi đời từ khi biết chăm cam
Nhận thấy giá trị kinh tế của cam Vinh đem lại, ông Thành cùng gia đình dồn sức vào chăm bẵm cam. Theo ông Thành, trồng cam này khá nhàn, lúc cây còn bé mỗi năm chỉ cần làm cỏ từ 2 – 3 lần. Khi cây đã cao lớn chỉ dùng máy để phát cỏ. Muốn cây sinh trưởng và phát triển tốt chỉ cần bón phân, tưới nước đầy đủ, phun thuốc diệt sâu theo định kỳ.
Ông Hoàng Trung Thành không thuê nhân công mà mọi công việc từ bón phân, làm cỏ, tưới nước… đều do vợ chồng ông đảm nhận
Tận dụng nguồn phân chuồng dồi dào từ gia đình và hàng xóm, ông Thành đem bón vườn cam của nhà cho an toàn chứ hầu như không bón thêm bất kỳ loại phân hóa học nào. Trung bình một gốc cam, bón hơn chục cân phân chuồng, bón quanh gốc, tán rộng đến đâu bón đến đấy.
Ngoài trồng cam ra, ông Hoàng Trung Thành còn trồng thêm xoài lai
Không phụ công người chăm, chỉ vài năm sau, hơn 600 gốc cam Vinh bói quả đều, cây nào cây nấy quả sai lúc lỉu.
“Năm 2016, tôi thu được 16 tấn quả, với giá bán 30.000 đồng/kg, sau khi trừ đi chi phí cũng có 300 triệu tiền lãi. Năm vừa rồi, thu được 17 tấn quả. Mặc dù giá cuối vụ xuống 28.000 đồng/kg, gia đình vẫn dễ dàng thu được 400 triệu tiền lãi. Nói thật, nhiều lúc cần chi tiêu vào việc gì, vợ chồng tôi cầm tiền ra đếm mà mỏi cả tay” – ông Thành, phấn khởi bảo vậy.
Cũng theo ông Thành, từ lúc “hái” ra tiền từ cây cam Vinh, gia đình không phải ăn bữa nay, lo bữa mai nữa. Không những sắm sửa được trang thiết bị đầy đủ tiện nghi cho gia đình mà còn tậu được ngôi nhà sàn đẹp long lanh nhất, nhì trong vùng với giá trị gần tỷ đồng cho vợ con ở để yên tâm làm ăn.
“Do đã có kinh nghiệm chăm cam được gần chục năm nay, thời gian tới tôi trồng thêm khoảng 100 – 200 gốc cam Vinh” – ông Thành, bật mí.
Viết bình luận