Ông Trịnh Văn Ngọ chia sẻ: Tôi trồng 620 gốc cam Canh từ năm 2012 trên 1,8ha nương rẫy. Cây giống được tôi mua từ các nhà vườn lớn ở Hưng Yên nên rất đảm bảo về chất lượng. Sau 3 năm trồng, vườn cam bắt đầu cho thu hoạch lứa quả đầu tiên được 7,5 tấn, cho lãi hơn 360 triệu đồng. Tôi nhận thấy giống cam Canh cho thu nhập cao, đầu ra cho sản phẩm lại tương đối ổn định. Vì vậy tôi đầu tư thêm vốn liếng khoan giếng, lắp đặt hệ thống nước tưới tự động, để tạo điều kiện thuận lợi cho vườn cam sinh trưởng và phát triển tốt hơn.
Ông Ngọ đang kiểm tra quá trình phát triển của cây cam Canh tại vườn.
Nhờ biết cách chăm sóc tốt và áp dụng khoa học kỹ thuật vào trồng trọt, riêng năm 2018 này, vườn cam của gia đình ông Ngọ cho thu hoạch hơn 33 tấn cam canh, tăng đột biến so với mọi năm trước.
Theo ông Ngọ, bình quân một gốc cam Canh ông thu hoạch từ 55 – 60 kg. Hàng năm cứ đến mùa thu hoạch cam, các thương lái lại gọi điện trước rồi đánh xe tải vào tận vườn nhà ông thu mua. Từ lúc chuyển đổi cây trồng trên đất dốc đến giờ, cuộc sống của gia đình ông Ngọ đã dư giả lên hẳn, đầu ra cho sản phẩm lúc nào cũng ổn định, có lúc gia đình còn thiếu hàng để cung cấp cho các thương lái.
Những trái cam Canh vàng ươm tại vườn ông Ngọ.
Về kỹ thuật chăm sóc cây trồng trong vườn, được ông Ngọ chăm sóc rất khoa học. Ông đào hố rộng 30cm, sâu 30cm, hàng cách hàng 3m và bón phân chuồng, phủ một lớp đất mỏng rồi đưa cây giống xuống trồng. Bên cạnh đó, ông Ngọ còn ủ đậu tương cùng với ngô... ngâm trong bể với dung tích 30 khối khoảng 7 tháng bón cho cây trồng tại vườn. Nhờ vậy mà 1,8ha vườn cam Canh của gia đình ông luôn phát triển tốt, năm nào cũng cho sai qủa.
Vườn cam Canh của ông Ngọ sai trĩu quả, phải dùng sào tre để trống.
Ông Trịnh Văn Ngọ cho biết: Từ khi tôi trồng cam Canh đến nay, thu nhập của gia đình luôn tăng cao so với thời điểm trước nuôi lợn, gà. Hiện, cam Canh tôi bán tại vườn dao động từ 20.000 – 25.000 nghìn đồng/1kg. Sau khi trừ chi phí chăm sóc, mỗi năm tôi có lãi hơn 700 triệu đồng từ bán cam. Hiện, kinh tế của gia đình tôi đã khấm khá và có của ăn của để, con cái đều trưởng thành và có nghề nghiệp ổn định rồi.
Không chỉ làm kinh tế giỏi, ông Ngọ còn tạo công ăn việc làm cho 2 lao động tại địa phương với lương tháng 3,5 triệu đồng/người. Ngoài ra, ông còn trồng thêm 1.000m2 đào cảnh trên đất thầu của bà con người Mông trong bản Tà Phình, xã Tân Lập để nâng cao thu nhập hơn nữa cho gia đình.
Viết bình luận