TRỒNG CHUỐI LABA, KHÓ MỘT TÝ, NHƯNG BÁN ĐƯỢC CHO NHẬT BẢN

“Mặc dù trồng chuối xuất sang Nhật Bản có kỳ công hơn một chút so với trồng thường để đảm bảo những yêu cầu khắt khe hơn của họ về lượng thuốc bảo vệ thực vật, kích thước trái, thời gian cắt, nhưng với giá bán ổn định từ 8.000 – 9.000 đồng/kg, tôi ước tính 1ha sẽ thu được 500 – 600 triệu đồng (sau khi đã trừ chi phí khoảng 200 triệu đồng/ha) trong một năm”, anh Nguyễn Huy Phương, thôn Đạ Mun, xã Đạ K’Nàng, huyện Đam Rông (Lâm Đồng) chia sẻ.

Tháng 7/2018, lô chuối Laba đầu tiên của người dân xã Ðạ K’Nàng (huyện Ðam Rông, tỉnh Lâm Đồng) được xuất  khẩu sang Nhật Bản với số lượng 8 tấn, mở ra cơ hội mới nhiều tiềm năng cho thương hiệu chuối nổi tiếng lâu nay, đồng thời tạo sự chuyển đổi cơ cấu cây trồng có hiệu quả cho nông dân nơi vùng sâu, vùng xa Ðạ K’ Nàng.

trong chuoi laba, kho mot ty, nhung ban duoc cho nhat ban hinh anh 1

Chuối xuất sang Nhật Bản được kiểm tra kỹ về kích thước, chất lượng quả. 

Chúng tôi đến thăm vườn chuối của gia đình anh Nguyễn Huy Phương (thôn Đạ Mun, xã Đạ K’Nàng) đúng lúc đoàn chuyên gia của doanh nghiệp Nhật Bản đang kiểm tra kích thước quả và kiểm tra chất lượng chuối của gia đình anh. Những cái gật gù với nhau khi người Nhật nếm những quả chuối chín vàng được cô thông dịch viên truyền đạt lại, rằng họ rất hài lòng với hương vị chuối Laba nơi này.

Với diện tích 5ha cây chuối Laba một năm tuổi hiện đang cho thu hoạch, anh Phương cho biết: Trước đây, gia đình anh chủ yếu trồng cà phê. Nhưng sau nhiều năm cà phê mất mùa và giá cả bấp bênh, từ tháng 4/2017, anh quyết định cùng 3 hộ khác chuyển đổi 5ha trồng cà phê sang trồng chuối Laba với số lượng 10.000 cây.

Trước đó, anh Phương đã nghiên cứu kỹ về đặc tính, giống và thị trường của chuối Laba. Với ưu điểm nhanh cho thu hoạch (sau 1 tháng trồng), chuối Laba là biện pháp để anh Phương “lấy ngắn nuôi dài”, phát triển nông nghiệp bền vững.

‘Tới đây, chúng tôi đang có kế hoạch sẽ nhân lên khoảng 20ha trồng chuối Laba để đáp ứng đủ nhu cầu của thị trường Nhật” – anh Phương chia sẻ.

8 tấn chuối Laba của gia đình anh Phương nằm trong 30 tấn chuối Laba đầu tiên của HTX Thương mại dịch vụ Laba Phú Sơn xuất sang Nhật Bản. Ông Nguyễn Tấn Chơi – Chủ tịch Hội đồng quản trị HTX cho biết: Hợp đồng xuất chuối Laba của HTX và Công ty Chuối Việt để xuất chuối sang Nhật Bản đã được ký kết từ năm 2017.

Tuy nhiên, phải sau một năm trồng chuối theo đúng kỹ thuật, quy trình của Nhật Bản hướng dẫn, tháng 7 vừa rồi, 30 tấn chuối đầu tiên của HTX mới được xuất khẩu sang Nhật. Một tín hiệu đáng mừng là sau lô chuối đầu tiên được kiểm định gắt gao về chất lượng, từ tháng 8/2018, thị trường Nhật Bản đã yêu cầu HTX mỗi tháng xuất sang Nhật từ 3 – 4 công chuối Laba, mỗi công nặng 20 tấn.

Theo ông Chơi, chuối Laba của huyện Lâm Hà và xã Đạ K’Nàng trước giờ đã có thương hiệu và chất lượng đã được kiểm chứng. Trải qua một thời gian gián đoạn, mai một, việc một thị trường mới và rộng như Nhật Bản tự tìm đến đã mở ra hướng cho HTX giữ thế mạnh của địa phương, xây dựng lại thương hiệu, giúp bà con nông dân phát triển kinh tế bền vững bằng chính cây chuối.

Hiện tại, HTX Thương mại dịch vụ Laba Phú Sơn có khoảng 200 ha trồng chuối, phân bố tại các xã trên địa bàn huyện Lâm Hà và xã Đạ K’Nàng. Trong đó, diện tích đã cho thu khoảng 100 ha và đều đang được hỗ trợ kỹ thuật để đảm bảo yêu cầu xuất sang Nhật. HTX đang trở thành cầu nối giữa nông dân với doanh nghiệp và thị trường nước Nhật, định hướng xây dựng chuỗi liên kết tiêu thụ trong và ngoài nước để nâng cao giá trị cây chuối Laba, từ đó giúp bà con phát triển ổn định hơn.

Sau nhiều vòng dạo quanh vườn của anh Phương, kiểm tra kỹ càng từng buồng chuối được bọc nilong cẩn thận, ông Hayashi Yohei (Công ty Norlake, Nhật Bản) thể hiện sự hài lòng: “Khí hậu ở vùng đất này rất khác so với các vùng mà chúng tôi từng khảo sát, các loại chuối trồng ra có hương vị thơm ngon hơn và khá phù hợp với khẩu vị của người Nhật. Hy vọng đây là bước đầu tiên để các bạn phát triển được số lượng chuối nhiều hơn cho thị trường Nhật Bản”.

Ông Phạm Đức Luận, Chủ tịch Hội Nông dân xã Đạ K’Nàng, cho biết: “Trước đây, Trung tâm Nông nghiệp huyện Đam Rông đã có đầu tư giống chuối Laba cho nông dân, nhưng do chưa tìm được đầu ra để bao tiêu nông sản, nên số lượng người dân và diện tích trồng chuối không nhiều. Anh Phương cùng 2 hộ dân khác là những người đầu tiên ở Đạ K’Nàng dám mạnh dạn trồng chuối với diện tích lớn như vậy để xuất sang Nhật Bản mà không phải ai cũng làm được.

“Thời gian tới, địa phương không khuyến khích người dân phát triển diện tích trồng chuối Laba ồ ạt, mà chỉ nên đi từng bước khi đã tìm ra nơi bao tiêu đầu ra, hỗ trợ về khoa học, nhằm đảm bảo phát triển nông nghiệp bền vững”, ông Phạm Đức Luận.

 

Viết bình luận