Chỉ cần lựa chọn trồng đúng thời điểm, chăm sóc đúng kỹ thuật thì người trồng chuối mốc có thể đạt thu nhập cả trăm triệu đồng/sào, chi phí đầu tư rất thấp, chưa tới 10 triệu đồng.
Thu nhập cao, chi phí thấp
“Trong các loại cây trồng thì tôi thấy cây chuối là chi phí đầu tư thấp nhất lại ít tốn công chăm sóc nhưng mang lại hiệu quả cao. Năm vừa rồi tôi trồng 2 sào chuối mốc mà thu được gần 200 triệu đồng”, ông Lê Văn Tin (trú thôn Gò Mè, xã Suối Tiên, huyện Diên Khánh, Khánh Hòa) chia sẻ.
Ông Tin là người đầu tiên áp dụng phương pháp trồng chuối mốc phủ bạt và mang lại hiệu quả cao |
Ông Tin là hộ đầu tiên đưa phương pháp trồng chuối mốc mới (trồng chuối phủ bạt) mang lại lợi nhuận cao không riêng gì ở xã Suối Tiên mà còn cả toàn huyện Diên Khánh - địa phương hàng năm cung cấp một sản lượng chuối lớn ra thị trường trên cả nước.
Trước khi chưa sử dụng phương pháp trồng chuối mốc phủ bạt, đa số người dân ở đây đều chỉ trồng một cách tự phát trên các sườn núi đầy may rủi. Cây chỉ cần trồng xuống còn thu lại được gì hay không là nhờ trời nên hiệu quả không đáng kể.
Cách đây 2 năm, ông Tin nhận thấy rằng, địa phương mình rất phù hợp với cây chuối mốc nhưng người dân lại chưa có cách làm phát huy được ưu thế đó. Sau một thời gian tìm hiểu, ông thấy nhiều loại cây trồng khác như bí, đậu... được trồng phủ bạt hạn chế được nhiều khuyết điểm như sâu bệnh, cỏ dại nên ông quyết định trồng thử trên cây chuối.
Kết quả năm đầu tiên vô cùng mỹ mãn, vườn chuối của ông Tin phát triển tốt, trổ buồng lớn lại cho thu hoạch đúng dịp tết nên bán được giá cao. “Năm đó mỗi buồng tôi bán được 1.250.000 đồng. Cao hơn gấp 2 lần so với giá thông thường trước đó. Hơn nữa, cả vườn chuối trồng thu hoạch một lần nên việc xuất bán cũng thuận lợi hơn so với cách thu rải rác của người dân trong những năm trước đây”, ông Tin nói.
Bạt phủ luống chuối có nhiều tác dụng như giữ nước, độ ẩm, hạn chế cỏ dại |
Thu nhập cao nhưng vốn đầu tư cho cây chuối mốc lại vô cùng nhỏ. Nếu tận dụng được nguồn giống của mình thì tất cả các chi phí đầu tư cho mỗi sào chuối cho đến lúc thu hoạch như thế chỉ khoảng 6 triệu đồng. Bên cạnh đó, cây chuối ít sâu bệnh nên việc chăm sóc cũng không hề phức tạp, chỉ quan trọng là đảm bảo đủ nước tưới và bón 2 lần phân đạm mỗi vụ là chuối sẽ phát triển tốt.
Cần làm đúng kỹ thuật
Từ thành công của ông Tin, nhiều hộ dân trong vùng bắt đầu học tập và làm theo. Diện tích trồng chuối mốc theo hình thức phủ bạt ngày càng tăng lên. Đến với xã Suối Tiên vào thời điểm này đi đâu cũng thấy những vườn chuối bạt ngàn xanh ngắt đầy hứa hẹn về vụ mùa thu hoạch sẽ đem lại nguồn thu đáng kể cho bà con nông dân.
Tuy nhiên, để phát huy hiệu quả tối đa của cây chuối mốc bằng hình thức phủ bạt thì người trồng phải có biện pháp canh tác và chăm sóc đúng kỹ thuật.
“Trước tiên là phải kể đến quá trình chọn cây giống. Cây giống phải chọn mầm khỏe thì cây mới phát triển nhanh và về sau cho buồng to. Tiếp đến là thời điểm trồng. Cây chuối từ lúc trồng đến lúc thu hoạch mất khoảng thời gian tầm trên dưới 11 tháng, do đó để có sản phẩm bán vào dịp tết (thời điểm cao giá nhất) thì nên trồng cây bắt đầu từ tháng giêng. Trồng vào lúc này cộng với chăm sóc tốt nữa thì vào khoảng tháng chạp là vừa xuất bán”, ông Tin chia sẻ.
Sau thành công từ phương pháp trồng chuối phủ bạt, nhiều người dân trong vùng bắt đầu mở rộng diện tích trồng chuối mốc |
Phương pháp phủ bạt là yếu tố vô cùng quan trọng trong quá trình trồng chuối mốc để tăng hiệu quả. Cũng theo ông Tin, khi trồng chuối thì từng hàng phải xới đất thành 2 luống. Luống thứ nhất để trồng cây trên đó còn luống thứ 2 kết hợp cùng với luống thứ nhất có nhiệm vụ tạo thành một rãnh nước ở giữa. Khi đã phân luống xong thì tiến hành phủ một dải bạt liền lên 2 luống này đồng thời khoét lỗ các lỗ nhỏ ở phần bạt bên luống có chuối.
Ông Tin lý giải: “Trồng mỗi hàng 2 luống tạo thành rãnh nước và phủ bạt khoét lỗ như thế có rất nhiều tác dụng, đó là tiết kiệm được nước tưới, không cho tràn ra ngoài. Nước cung cấp sẽ được giữ lại trong rãnh và cây sẽ hút dần dần qua các lỗ đã khoét. Phần bạt phủ có tác dụng giữ độ ẩm cho đất đồng thời hạn chết được cỏ dại phát triển ảnh hưởng đến sức sống của cây. Ngoài ra, ở cuối rãnh nước này sẽ có một phần đất thấp để những lúc trời mưa làm nơi thoát nước, tránh bị ngập úng”.
Trong quá trình chuối phát triển thì người trồng phải thường xuyên đi tỉa các mầm con, không để các mầm này phát triển hút hết chất dinh dưỡng của cây mẹ khiến cây mẹ chậm phát triển. Chỉ đến thời điểm buồng chuối cây mẹ đã già, sắp thu hoạch thì mới để lại ở mỗi gốc khoảng 2 mầm con với mục đích lấy giống cho vụ sau.
“Để vườn chuối có được năng suất cao thì không nên trồng liên tục vụ chuối này đến vụ chuối trên một vùng đất mà phải thay đối loại cây trồng. Đất năm nay trồng chuối rồi thì năm sau trồng các loại cây ngắn ngày khác như đậu, dưa... Ít nhất là nên để khoảng 2 năm sau mới trồng chuối mốc lại. Nhà nào nhiều đất thì chia theo từng vùng trồng, năm nay trồng chuối ở vùng này, năm sau trồng ở vùng khác. Như thế sẽ đảm bảo được năm nào cũng có chuối để thu hoạch. Gia đình tôi cũng đang làm theo cách này”, ông Tin bật mí thêm. |
Viết bình luận