Nhiều người gọi hai ông Lê Xuân Bá (sinh năm 1957) và Nguyễn Văn Dậu (sinh năm 1956, cùng trú thôn Tăng Long 2, xã Tam Quan Nam, huyện Hoài Nhơn, Bình Định) là những lão gàn vì đã liều mình “ném” hàng trăm triệu đồng để trồng dừa xiêm lùn da xanh trên vùng cát ven biển...
Thế nhưng, bằng sự cần cù chịu khó, những lão gàn ấy đã gặt hái nhiều thành công với mô hình vườn dừa mới, vừa lạ tại vùng quê này.
Bát ngát vườn dừa xiêm ven biển
Ông Nguyễn Văn Dậu bên cây dừa xiêm lùn da xanh trĩu quả. Ảnh: Dũ Tuấn
Tam Quan Nam là một trong những xã ven biển có diện tích dừa các loại nhiều nhất huyện với trên 200ha. Thành công của ông Bá và ông Dậu với mô hình trồng dừa xiêm lùn da xanh trên cát trắng ven biển đã mở ra một hướng đi mới, có thêm nhiều cơ hội phát triển kinh tế gia đình cho người dân, đồng thời còn góp phần cải thiện cảnh quan môi trường biển, chống nạn cát bay”.
Ông Nguyễn Thanh Hải - Chủ tịch UBND xã Tam Quan Nam
Sau 5 năm cày xới trên diện tích 1ha cát trắng nằm sát biển, giờ đây ông Lê Xuân Bá đã tạo ra vườn dừa xiêm lùn da xanh trĩu quả. Ông kể: “Trong một lần đi tham quan học hỏi mô hình trồng dừa xiêm lùn tại tỉnh Bến Tre, tận mắt nhìn thấy hiệu quả kinh tế của giống dừa xiêm lùn, tôi mê lắm. Giống này cho trái rất sai, mỗi buồng từ 30 - 40 trái, lại thích nghi với nhiều loại đất như nhiễm mặn, phèn, kể cả những vùng cát trắng bạc màu, vì thế tôi đã quyết định mua 200 cây với giá 30.000 đồng/cây về trồng thử nghiệm tại vùng cát ven biển Hoài Nhơn”.
Để chuẩn bị xuống giống, ông Bá khoan 4 giếng nước ngọt, san ủi và đổ thêm một lớp đất sỏi tạo mặt bằng ổn định trên cát và xung quanh hố trồng để hạn chế cát sụt, lấp vào đọt dừa. Sau đó ông đào hố, mỗi hố trồng cách nhau khoảng 6m, đường kính 1m, sâu khoảng 80cm.
Theo ông Bá, sau khi trồng cần đóng cọc giữ cho cây khỏi lệch, dùng các vật liệu hữu cơ sẵn có như rơm, tàu dừa khô che chắn cho cây giữ ẩm và hạn chế xói mòn khi tưới thời kỳ đầu. Để dừa nhanh phát triển, người trồng cần chú trọng bón phân, tưới nước hợp lý.
“Khác với những loại dừa thông thường, khi cây phát triển tới 7-10m mới cho quả, còn vườn dừa xiêm lùn da xanh 150 cây của tôi trái dày buồng, chi chít đến nỗi cành oằn xuống chỉ cách mặt đất 0,5 - 1m. Vì vậy khi khi thu hoạch cũng không cần leo trèo, chỉ cúi người là hái được dừa. Mặc dù trồng trên đất cát ven biển, nhưng chỉ sau khoảng 3 năm là dừa cho trái. Đặc biệt, nước dừa có vị ngọt thanh đậm hơn một số giống khác nên rất được người tiêu dùng ưa chuộng”- ông Bá cho hay.
Hiện trung bình mỗi tháng, ông Bá bán dừa cho thương lái 1 lần, mỗi lần thu hoạch khoảng 300 trái với giá bán sỉ tại vườn từ 8.000 - 15.000 đồng/trái. Ông Bá tiết lộ: “Năm ngoái vườn dừa của tôi bắt đầu cho trái nhưng đã có thương lái đến tận vườn mua, nhiều lúc không có hàng mà bán. Ước tính từ năm thứ 6 trở đi, tôi sẽ bán được khoảng 1.000 trái dừa/tháng. 3 năm sau, tôi sẽ trồng xen tiêu để tạo cảnh quan vườn dừa, vừa đẹp vừa cho hiệu quả kinh tế”.
Sẵn sàng hỗ trợ nông dân
Cũng theo ông Bá, bí quyết để cây dừa cho trái đều đặn chính là đảm bảo 4 khâu: Nước, phân, thuốc và công chăm sóc. Học tập mô hình của ông Bá, vườn dừa nhà ông Nguyễn Văn Dậu tuy xuống giống chậm hơn 1 năm nhưng hiện nay đã có 70% trong tổng số 130 cây dừa xiêm lùn da xanh cho quả.
Ông Dậu cho biết: “Lúc mới trồng ai cũng bảo tôi bị điên, khùng khi đổ hơn 100 triệu đồng để trồng dừa ven biển. Đến giờ, tôi đã chứng minh cho mọi người thấy đây là hướng đi thành công. Hiện, tuy lượng trái chỉ đạt 10 - 20 trái/buồng/tháng nhưng trong 1- 2 năm tới, mỗi cây dừa sẽ sản sinh ổn định 150-200 trái/năm. Tôi đang tự ươm giống dừa để tiếp tục nhân rộng tiếp 0,5ha diện tích còn lại và hướng tới cung cấp giống, sẵn sàng hỗ trợ kỹ thuật cho bà con có nhu cầu”.
Theo ông Dậu, dừa xiêm đang là loại nước uống ưa chuộng của nhiều ngư dân lênh đênh dài ngày trên biển tại Hoài Nhơn. “Nước dừa xiêm được trồng ở bãi biển luôn ngon ngọt hơn dừa trồng nơi khác. Theo tìm hiểu của tôi, đất trên bãi biển có môi trường trung tính, còn những nơi khác thường có tạp chất nên dừa trồng trên đất cát ven biển rất ngọt nước”- ông Dậu cho hay.
Viết bình luận