Nắng tháng năm chói mắt trên những vườn cà phê, chợt nghe mùi thơm của thuốc đông dược tỏa trong không khí. Mùi thơm đặc biệt ấy xuất phát từ những vườn thuốc nam xanh ngắt giữa vùng đất Đông Thanh, Gia Lâm - Lâm Hà. Hỏi ra được bà con cho hay, bên cạnh những cây trồng chủ lực như cà phê, dâu tằm, rau, hoa công nghệ cao, nông dân Đông Thanh, Gia Lâm bắt đầu chuyển sang trồng một số loại cây dược liệu trong đó có đương quy, một loại đông dược có giá trị.
Vườn đương quy 6 tháng tuổi tại Gia Lâm |
Chị Nguyễn Thanh Chương, thôn 6, xã Gia Lâm vừa chăm sóc vườn đương quy 6 tháng tuổi, vừa chia sẻ về loại cây trồng mới này. Chị bảo, nhà ít đất, trồng cà phê cho thu nhập không nhiều, trồng rau, hoa công nghệ cao thì không có vốn làm nhà kính. Có người chỉ chị trồng cây đương quy. Vụ đầu, chị trồng thử 800 m2 đất vườn, thu được 1,4 tấn củ tươi và bán hết ngay khi thu hoạch. Vụ sau, chị xuống giống 2,2 sào và cây đang phát triển ở tháng thứ 6, tình hình sinh trưởng rất tốt. Chị Chương cho biết: “Trồng cây đương quy rất dễ, không tốn bao nhiêu phân, thuốc, thu nhập thì cao hơn cà phê gấp mấy lần, diện tích nhỏ vài trăm mét cũng trồng được. Đương quy hợp khí hậu ở đây, củ to và đẹp, nhiều củ đạt cả kg, người mua rất thích”. Đặc biệt, do dễ chăm sóc, chị Chương cho biết có thể trồng tại góc hè, bên bờ rào để cây tự sinh trưởng, tới lúc thu hoạch cũng được một khoản thu nhập.
Cây đương quy có tên khoa học là Angelica sinensis, thuộc họ Hoa tán. Tác dụng của đương quy rất tốt, là thuốc đầu vị chữa các bệnh của phụ nữ, đồng thời dùng nhiều trong các đơn thuốc bổ và thuốc chữa các bệnh khác. Cây đương quy được sử dụng phần củ rễ, thường được dùng tươi hoặc sấy khô, là một cây dược liệu quý cho sức khỏe con người. Nhu cầu dùng đương quy khá cao nhưng trước nay Việt Nam thường phải nhập đương quy từ Trung Quốc. Phát triển đương quy cũng nằm trong quy hoạch của Chính phủ về kế hoạch phát triển ngành đông dược Việt Nam. |
Đương quy được bà con trồng từ hạt. Chị Chương cho hay mới đầu theo hướng dẫn, bà con gieo thẳng xuống đất, phủ bạt nhưng tỷ lệ hao hụt cao. Sau đó, bà con chủ động gieo hạt đương quy vào bầu đất, sau 20 ngày hạt nứt mầm và khoảng 2 tháng cây cao 5 cm là có thể xuống vườn. Cây đương quy ưa đất tơi xốp, thoát nước tốt nên trước khi xuống cây phải xử lý đất thật kỹ, bón lót một lượng phân hữu cơ phù hợp rồi lên luống rộng chừng 1,5 m. Cây được trồng cách nhau 20 cm, hàng cách hàng 30 cm để cây có không gian phát triển củ rễ. Trồng đương quy nhàn hơn trồng các loại cây khác bởi cây chỉ cần làm cỏ khi còn nhỏ. Sau 5 tháng, khi cây bắt đầu có tán phủ kín đất, cỏ không mọc được thì chỉ còn tưới nước. Đương quy cần phân bón không nhiều, một vài tháng mới sử dụng loại phân giàu kali bón cho cây. Sâu bệnh hại chưa thấy xuất hiện trừ một loại bọ cánh cứng ăn củ lúc gần thu hoạch.
Tính về lợi nhuận kinh tế, một sào đất trồng đương quy chỉ tốn chừng 1,2 triệu đồng tiền hạt giống. Tính cả tiền phân hữu cơ, phân kali cho cây cũng tốn chừng 7 triệu đồng cả vụ. Đương quy cần 14 tháng phát triển, trừ hai tháng trong bầu, đúng một năm sau là thu hoạch đương quy. Chị Chương chia sẻ, sau khi thu hoạch củ rễ, gia đình chị dùng máy rửa phun nước áp lực cao, xịt rửa sạch sẽ đất và vỏ lụa của củ. Củ đương quy loại 1, trắng tinh như vậy được bán với giá 70-80 ngàn đồng/kg. Nếu gia đình không có điều kiện, có thể để nguyên củ vừa đào dưới đất lên, thương lái cũng thu mua với giá 40 ngàn đồng/kg. Nhiều gia đình như gia đình ông Long Quyết, chị Minh Hải ở Gia Lâm, ông bà Biết ở Đông Thanh còn trồng đương quy dưới tán vườn chanh dây, vườn tiêu.
Chị Minh Hải cho biết, trồng xen dưới tán chanh dây, năng suất tất nhiên không cao bằng trồng thuần nhưng cây vẫn phát triển tốt, lại không làm ảnh hưởng tới chanh dây vì cây đương quy không cao, tới khi thu hoạch cũng cao 50 cm. Mùi thơm của cây đương quy còn khiến sâu bọ tránh xa nên rất có lợi. Chị Nguyễn Minh Hải, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Gia Lâm cho hay, hiện bà con của xã trồng đương quy khá nhiều, bản thân gia đình chị cũng chuẩn bị xuống giống trồng thử nghiệm trên diện tích 100 m2. Chị cũng “bật mí”, Công ty Dược phẩm Việt Thái vừa làm dự án đầu tư trên địa bàn xã Gia Lâm chuyên trồng dược liệu như đương quy, thục địa, sâm đại hành… Đây là cơ hội tốt để bà con Gia Lâm có thêm một cây trồng mới cho thu nhập khá hơn cây cà phê truyền thống.
Viết bình luận