Thiên lý là một loài hoa rất dễ trồng, thâm canh không khó bởi nó rất ít bị nhiễm sâu bệnh, chăm bón dễ dàng.
Chi phí đầu tư trồng thiên lý không quá cao: Có thể tận dụng nguồn tre nứa, cây tán là làm được giàn. Nếu hiện đại làm giàn dây thép, cọc bê tông cũng chỉ mất 1-1,1 triệu đồng/sào Bắc bộ. Công làm đất không nhiều: Chỉ cần đào hố sâu khoảng 40-45cm, rộng 0,5-1m, hố nọ cách hố kia từ 3,5-4m. Trong khi đó, hoa thiên lý hầu như cho thu hoạch quanh năm, tốc độ ra hoa nhanh nên chỉ 3-4 ngày là lại được hái một lứa.
Ở xã Hồng Phong (Nam Sách - Hải Dương) mô hình trồng thiên lý đang phát triển mạnh. Với giá bán trung bình từ 15-18 ngàn đồng/kg, mỗi giàn thiên lý khoảng 60m2 đã cho thu hoạch từ 700- 800 ngàn đồng/tháng. Trước lợi nhuận đó, nhiều hộ đã mạnh dạn đầu tư giàn kiên cố trồng hẳn vài sào thiên lý. Điển hình là hộ anh Dân (thôn Đoàn Kết), ông Toản, bà Đẫm, ông Huynh (thôn Nam Khê), ông Nghiệp, ông Lực, bà Lý (thôn Phù Liễn)…
Anh Nguyễn Văn Dân - hộ đưa thiên lý xuống cả đất lúa, cho biết: Những năm trước đây Hồng Phong được nhiều người biết đến bởi những vườn táo sai trĩu quả. Nhưng nhiều năm nay, táo không còn cho năng suất cao, thậm chí không bán được vì vụ nào quả cũng bị ruồi đục làm thối hỏng, rụng. Không có cách nào khắc phục, nhiều hộ đã chặt hết táo để trồng thiên lý.
 Mỗi sào thiên lý nếu thâm canh tốt sẽ cho thu hoạch từ 45-50kg hoa/ngày, thâm canh tốt thì cứ 3-4 ngày là lại thu hái 1 lần, thu về từ 5-5,2 triệu đồng/tháng (trừ 3 tháng vụ đông). Hoa thiên lý sau khi thu hoạch xong được các thương lái thu mua ngay tại nhà.
Về kĩ thuật trồng, anh cho biết: Cây được trồng bằng hom, chúng hiếm khi bị sâu bệnh hại nên bà con ai cũng trồng được. Nhà trồng sau xin hom giống của nhà trồng trước. Thiên lý rất ưa chỗ cao ráo nên cần trồng trên ụ đất, càng bón nhiều phân chuồng mục thì năng suất càng cao. Ngoài đào hố trộn phân chuồng mục với đạm, lân, kali để bón lót thì mỗi tháng cũng chỉ cần bón thúc cho cây từ 1-2 lần bằng cách: Rải phân chuồng mục đã trộn một ít đạm và kali xung quanh ụ đất rồi xới đất xung quanh lấp lên kín phân rồi tưới ẩm là xong.
Trong quá trình thâm canh cần chú ý một số việc cần làm là: Tiến hành bấm ngọn khi cây leo lên giàn, khi cành cấp hai được khoảng 10 lá thì lại bấm. Cứ thế, cây sẽ leo kín giàn và phân bố đồng đều hơn. Trong khi thu hái lấy hoa thì cần loại bỏ các lá già, các lá ở những chỗ cây leo rậm rạp chồng chéo lên nhau làm cho giàn được thông thoáng, cây ít bị nhiễm sâu bệnh đồng thời sẽ ra nhiều hoa hơn.
Thường xuyên tưới giữ ẩm cho cây và phun nước lên giàn những lúc trời nắng nóng hoặc khi cây bị rầy, rệp gây hại. Nếu cần thiết phải phun trừ rệp hại thiên lý nên sử dụng các loại thuốc sinh học sẽ an toàn và hiệu quả hơn (tất nhiên hiếm khi mới phải dùng đến thuốc).
Thiên lý trồng một lần có thể cho thu hoạch từ 3- 4 năm. Hàng năm, cứ vào khoảng tháng 11-12 dương lịch nếu thời tiết rét nhiều, cây mọc sum suê, cành nhỏ mọc nhiều thì nên cắt bỏ những cành phụ để lại thân, nhánh chính cây sẽ tiếp tục ra hoa và cho thu hoạch. Nếu cần thiết (thị trường khan hiếm, giá đắt), có thể dùng bóng đèn compăc chiếu sáng ban đêm để kích thích cây ra hoa nhiều, nhanh hơn.
Bao Nong Nghiep Viet Nam
Viết bình luận