Ông Hoàng Trọng Dũng, dân tộc Nùng Phàn Slình trú tại thôn Sơn Hồng, xã Gia Cát, huyện Cao Lộc, tỉnh Lạng Sơn) được bình chọn là 1 trong 100 Nông dân Việt Nam xuất sắc 2022. Ông Dũng đã áp dụng khoa học kỹ thuật vào cải tạo những cây hồng đặc sản bản địa.
Cải tạo cây hồng bản địa
Ông nông dân người Nùng Phàn Slình Hoàng Trọng Dũng đưa bàn tay chắc nịch, to bè ra bắt tay tôi rồi chậm rãi kể về cuộc đời gắn bó với cây cối, núi đồi của mình.
Ông kể, nhà ông trước kia chỉ canh tác truyền thống, trồng lúa trên ruộng bậc thang, nhưng năng suất lúa không ổn định vì phụ thuộc vào nước tự nhiên. Bắt đầu từ năm 1994, ông đã trồng thử giống mận cơm trên nền ruộng bậc thang và có thu nhập rất tích cực.
Đến năm 1998, ông thay đổi hẳn phương thức canh tác và sản xuất của gia đình. Ông quyết định trồng thử nghiệm 200 cây hồng không hạt Bảo Lâm. Rất may, giống hồng Bảo Lâm lại phù hợp và phát triển và cho chất lượng quả tốt ở vùng đất Gia Cát này.
Hiện nay hồng Bảo Lâm ở xã Gia Cát này đã được cấp chỉ dẫn địa lý và được đánh giá là nơi bảo tồn giống hồng Bảo Lâm nổi tiếng.
Ông Dũng chậm rãi kể tiếp: "Hồng Bảo Lâm không có hạt, khi chín có màu đỏ như lòng trứng gà, trong suốt, ăn có vị ngọt thanh, khi gọt vỏ ra thì không bị thâm vàng. Nhưng không phải ăn may mà tự nhiên trồng hồng được chất lượng tốt thế đâu. Cái cây cũng như con người thôi, nó phải được chăm đủ dinh dưỡng thì mới cho quả sai trái ngon được."
Hồng Bảo Lâm là giống cây khó tính, rất mẫn cảm với thời tiết, thường mắc các bệnh như thán thư, giác ban. Do đó, người trồng phải nắm bắt được để phòng, chữa bệnh kịp thời.
Ông Dũng cũng cho biết, trong 200 cây hồng Bảo Lâm đang khai thác của vườn nhà, cây thấp nhất cũng cho sản lượng khoảng 60kg quả, cây nhiều nhất cho sản lượng khoảng 250kg. Nếu tính giá hồng Bảo Lâm năm nay bình quân 40.000 đồng/kg, có những cây hồng được giá cả chục triệu đồng, giá trị bằng nửa con nghé.
Vừa qua, ông Dũng đã trồng thêm 600 cây hồng Bảo Lâm tiếp theo trên điện tích 3,6ha. Trong một vài năm tới, ông sẽ đưa vườn hồng trở thành điểm du lịch cộng đồng khi mùa quả hồng chín.
Ngoài trồng và cải tạo cây hồng Bảo Lâm, những năm trở lại đây, ông Dũng còn tập trung nghiên cứu, cải tạo cây hồi.
Ông Dũng cho biết: "Trước kia các cụ chúng tôi cũng đã trồng cây hồi, nhưng trồng xong thì để mặc cho tự nhiên quyết định. Nhưng những năm gần đây, tôi đã thử nghiệm bón phân hữu cơ bò sữa Nghệ An cho cây hồi. Bên cạnh đó, qua nghiên cứu, tôi phát hiện cây hồi thường bị bọ trĩ tấn công rất mạnh khi ra hoa. Do đó, tôi đã chủ động dùng thuốc diệt bọ trĩ để đảm bảo tỷ lệ đậu hoa của cây hồi."
Theo ông Dũng, đây là năm thứ 2 ông áp dụng chế độ bón phân và diệt bọ trĩ cho cây hồi. Nhờ đó, năng suất 800 cây hoa hồi của gia đình ông đã tăng lên rõ rệt, có những cây hồi cho thu hoạch tới 2 tạ hoa tươi.
Với giá hoa hồi hiện nay khoảng 50.000 đồng/kg hoa tươi, rừng hồi của gia đình ông Dũng dự kiến cho thu hoạch từ 400-500 triệu đồng trong năm nay.
Thúc đẩy bà con cùng giàu từ trồng cây đặc sản bản địa
Để cùng nhau làm giàu, ông Dũng đã thành lập hội sở thích nuôi trồng các mô hình từ cây bản địa với 23 thành viên và duy trì hoạt động hàng chục năm qua.
"Nếu chỉ mình vườn hồng của gia đình tôi, thì số lượng quả không đủ để trở thành hàng hóa, nên chúng tôi thành lập hội sở thích trồng hồng, để bảo nhau cùng làm ăn, và cùng làm giàu.
Hiện tại sản phẩm hồng không hạt Bảo Lâm của chúng tôi được thị trường hết sức ưa chuộng. Cứ đến mùa hồng Bảo Lâm là thương lái tự tìm đến hội sở thích của chúng tôi đặt mua, không phải bán lẻ như trước nữa vì có mã vạch và chỉ dẫn địa lý rõ ràng," ông Dũng chia sẻ.
Nói về ước mơ làm giàu ngay trên quê hương mình, ông Dũng cho biết: "Tôi khẳng định, với điều kiện hiện nay thì việc làm giàu ngay trên chính mảnh đất quê hương mình là hoàn toàn có đủ cơ sở. Nếu đi làm công nhân thì việc có thu nhập hàng trăm triệu mỗi năm là rất khó, lại phải xa gia đình, quê hương mình. Do đó, tôi không khuyến khích con cháu đi làm ăn xa ở các công ty ngoài tỉnh mà nên xây dựng mô hình kinh tế ngay tại địa phương."
Để thúc đẩy kinh tế của bà con và những người xung quanh, trong những năm qua, ông Dũng đã cấp miễn phí 800 cây hồng giống chất lượng cao, và hướng dẫn khoảng 300 bà con kỹ thuật chăm sóc cây hồng để có chất lượng quả tốt nhất.
Không chỉ trồng trọt giỏi, ông Dũng còn có nhiều ý tưởng chăn nuôi cũng cho hiệu quả rất tốt.
Ngoài chăn nuôi giống gà bản địa 6 ngón được thị trường săn đón, ông Dũng còn ngăn suối để nuôi hàng vạn con cá Bỗng (một giống cá đặc sản ở miền núi). Bên cạnh đó, ông còn bước đầu thuần hóa thành công ếch hương, giống ếch nổi tiếng ở khu vực đỉnh núi Mẫu Sơn mà nhiều năm qua đã bị săn bắt cạn kiệt.
Bà Hoàng Thị Huệ, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Cao Lộc, tỉnh Lạng Sơn cho biết, anh Hoàng Trọng Dũng làm một tấm gương tiêu biểu vượt khó, vươn lên làm giàu của những người nông dân ở nơi đây. Anh Dũng đã đưa góp phần đưa phong trào "Nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững" phát triển mạnh hơn, hiệu quả hơn.
Trong nhiều năm qua, anh Hoàng Trọng Dũng là tấm gương tiêu biểu xây dựng Hội Nông dân cấp cơ sở phát triển một cách hiệu quả và thiết thực. Rất mong anh Dũng tiếp tục phát huy tinh thần dám nghĩ, dám làm như những năm qua. Từ đó, giúp bà con nông dân phát huy được hết lợi thế và điều kiện tự nhiên đất đai, cây con giống bản địa để làm giàu bền vững ngay trên quê hương xứ Lạng.
Viết bình luận