Trồng loại táo màu trắng xanh, ăn giòn ngọt, nông dân ở xã này của Thái Nguyên giàu lên trông thấy

Táo xuân 21 là giống táo có vị ngọt, giòn, mát, mùi thơm đặc trưng, da căng bóng rất đẹp mắt được nhiều bà con ở xã Đồng Liên (TP Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên) chọn trồng. Nhờ trồng táo xuân 21, nhiều hộ gia đình giàu lên trông thấy.

Trước kia những khu vực trồng táo xuân 21 được bà con xã Đồng Liên, TP Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên trồng lúa và trồng màu nhưng hiệu quả không cao. Sau nhiều năm chuyển sang trồng táo xuân 21, đời sống của người dân trên địa bàn xã được nâng lên, nhiều hộ đã xây dựng được nhà cửa khang trang.

Hiện táo xuân 21 được tổ hợp tác cây ăn quả VietGAP xã Đồng Liên trồng tập trung tại các xóm Toàn Thắng 1 và Toàn Thắng 2. Sản phẩm này đang được Hội Nông dân xã Đồng Liên quản lý nhãn hiệu tập thể với 20 hộ hội viên sử dụng nhãn hiệu tập thể.

Trồng loại táo sai trĩu cành, ăn giòn, ngọt, nông dân ở xã này của Thái Nguyên giàu lên trông thấy - Ảnh 2.
Nhiều diện tích trồng lúa và màu trước kia của bà con xóm Toàn Thắng, xã Đồng Liên (TP Thái Nguyên) được chuyển sang trồng táo xuân 21 mang lại hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: Hà Thanh

Theo người dân nơi đây, trước đây, người dân trong vùng phải đi mua táo giống từ các tỉnh lân cận khác về trồng. Thế nhưng hiện nay, các hộ dân đã có thể chủ động ghép, lai tạo ra nhiều giống táo có năng suất, chất lượng, thích nghi với điều kiện thổ nhưỡng của địa phương.

Hiện nay, trên địa bàn xã Đồng Liên có trên 10ha trồng táo xuân 21 và toàn bộ diện tích này đã được chứng nhận VietGAP. Với diện tích trên, trung bình mỗi năm cho sản lượng khoảng gần 200 tấn táo xuân 21, mang lại doanh thu gần 4 tỷ đồng/năm. Đặc biệt, sau khi được chứng nhận VietGAP, giá trị quả táo xuân 21 xã Đồng Liên ngày càng được nâng lên, khẳng định chỗ đứng trên thị trường.

Trồng loại táo sai trĩu cành, ăn giòn, ngọt, nông dân ở xã này của Thái Nguyên giàu lên trông thấy - Ảnh 3.
Toàn bộ diện tích trồng táo xuân 21 trên địa bàn xã Đồng Liên, TP.Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên đã được chứng nhận VietGAP. Ảnh: Hà Thanh

Ông Vũ Ngọc Nhân – Tổ trưởng tổ hợp tác trồng cây ăn quả VietGAP xã Đồng Liên cho biết, táo xuân 21 là cây trồng cho thu hoạch theo thời vụ. Mỗi năm. táo xuân 21 cho thu hoạch một lần vào cuối mùa đông và đầu mùa xuân, thường vào đúng dịp Tết Nguyên đán.

Ban đầu, ông chỉ trồng thử 5 cây táo xuân 21, sau thấy hiệu quả nên nhân số lượng lớn dần lên và bán giống cho các hộ xung quanh. Hiện gia đình ông Nhân đang trồng hơn 100 cây táo xuân 21 với sản lượng khoảng 10 tấn/năm. Có thời điểm trồng nhiều, gia đình ông trồng khoảng 4 sào táo xuân 21 cho sản lượng 50 tấn/năm.

Trồng loại táo sai trĩu cành, ăn giòn, ngọt, nông dân ở xã này của Thái Nguyên giàu lên trông thấy - Ảnh 4.
Ông Vũ Ngọc Nhân – Tổ trưởng tổ hợp tác trồng cây ăn quả VietGAP xã Đồng Liên đang trồng khoảng hơn 100 cây táo xuân 21. Ảnh: Hà Thanh

Theo ông Nhân, thân cây táo xuân 21 có đặc điểm gióng dài, lá to và dài, phát triển khỏe, ít sâu bệnh và ra trái sớm. Quả táo giòn, ngọt, thơm, hình thức đẹp mắt nên được nhiều người ưa chuộng và lựa chọn.

Sản phẩm này đang được sản xuất theo quy trình VietGAP từ trồng, chăm bón, thu hái, phân loại đến bảo quản. Trong quá trình chăm sóc, bà con chủ yếu sử dụng phân hữu cơ ủ hoai mục để bón cho cây nên chất lượng quả táo khi ăn rất ngon, đảm bảo an toàn cho người sử dụng.

Trồng loại táo sai trĩu cành, ăn giòn, ngọt, nông dân ở xã này của Thái Nguyên giàu lên trông thấy - Ảnh 5.
Thời gian khai thác quả của cây táo kéo xuân 21 dài khoảng 10 năm. Ảnh: Hà Thanh

Nhìn chung cây táo xuân 21 không kén đất nhưng rất cần nước, do đó cây sẽ giảm năng suất, chất lượng rõ rệt nếu gặp hạn. Thời gian thu hoạch táo xuân 21 thường bắt đầu từ cuối tháng 11 âm lịch năm trước đến hết tháng Giêng năm sau. Do quả ra đúng dịp Tết Nguyên đán hằng năm nên rất dễ bán, với giá từ 20.000 – 30.000 đồng/kg.

Theo ông Nhân, việc xây dựng vùng chuyên canh cây ăn quả, trong đó tập trung khai thác cây táo xuân 21 là hướng đi phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế hiện nay, góp phần duy trì và phát triển nhãn hiệu Táo xuân 21 xã Đồng Liên. Với việc áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất đã ngày càng khẳng định uy tín, nâng cao sản lượng và chất lượng táo xuân 21 trên thị trường.

Mô hình trồng táo xuân 21 hiện đang tạo công ăn việc làm cho hơn 50 lao động tại địa phương, nhất là những người lớn tuổi, với thu nhập bình quân từ 7 – 8 triệu đồng/người/tháng.

Tuy nhiên hiện nay, táo xuân 21 vẫn chủ yếu được bán tại các chợ đầu mối trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên. Do đó trong thời gian tới, Hội Nông dân xã Đồng Liên dự kiến sẽ xây dựng thương hiệu OCOP cho táo xuân 21 nhằm nâng cao giá trị của sản phẩm, từ đó có cơ hội vươn xa ra thị trường các tỉnh và xuất khẩu ra nước ngoài.

Trồng loại táo sai trĩu cành, ăn giòn, ngọt, nông dân ở xã này của Thái Nguyên giàu lên trông thấy - Ảnh 6.
Hội Nông dân xã Đồng Liên định hướng sẽ xây dựng thương hiệu OCOP cho sản phẩm quả táo xuân 21 trong thời gian tới. Ảnh: Hà Thanh

Ông Nguyễn Mạnh Tưởng – Chủ tịch Hội Nông dân xã Đồng Liên (TP Thái Nguyên) cho biết, với mong muốn nâng cao giá trị táo xuân 21 Đồng Liên trên thị trường, trong thời gian tới, Hội Nông dân xã sẽ phối hợp với Tổ hợp tác để sản xuất theo quy trình đảm bảo tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm nhằm đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng.

Viết bình luận