Tận dụng các bờ bao quanh vuông nuôi tôm của vùng đất ngập mặn, bà con nông dân huyện Ngọc Hiển, Cà Mau trồng thêm khóm (trái dứa, trái thơm) để có thêm thu nhập, và họ đang vui mừng vì vụ này khóm trúng mùa, trúng giá.
Ở vùng đất ngập mặn thuộc ấp Ông Quyền, xã Tân Ân Tây, huyện Ngọc Hiển, gia đình bà Nguyễn Thị Đào được xem là người tiên phong cho mô hình trồng khóm trên bờ bao vuông tôm.
Bà Đào cho biết, hiện tại bà trồng hơn 1.500 gốc khóm với diện tích hơn 1 công đất, tính đến nay sau gần 8 tháng khóm đã cho trái to, được thương lái tìm mua với giá cao.
"Ban đầu thấy mình trồng khóm trên vùng đất ngập mặn, mọi người cười nói làm sao khóm sống được, vậy mà khi thấy hiệu quả như hiện nay, một số hộ đã áp dụng trồng và phát triển ruộng khóm nhà mình", bà Đào kể.
Theo bà Đào, cây khóm rất thích hợp cho vùng đất ngập mặn của vùng đất cuối trời Nam này. Các hộ dân nếu có diện tích đất trống và tích cực trồng, chăm sóc thì sẽ có thu nhập khá, vì cây khóm chỉ tốn công trồng ban đầu, về sau chỉ dọn cỏ vài lần là thu hoạch là được.
"Mỗi gốc khóm cho 1 trái bán cho thương lái với giá 10.000 đồng/trái. Với diện tích trồng khoảng một công đất của gia đình, mỗi năm cho thu nhập hơn 17 triệu đồng", bà Đào vui mừng cho biết.
Để thuận tiện, bà Đào chọn tháng nắng để trồng, nhằm giúp cho việc thu hoạch trái, đồng thời trái khóm mùa nắng cũng thơm ngọt hơn mùa mưa.
Cũng là người trồng khóm đem lại nguồn thu nhập hơn 30 triệu đồng/vụ gần 8 năm qua, chị Nguyễn Thu Yên, ngụ ấp Chính Biện, xã Tam Giang Tây, huyện Ngọc Hiển cho biết, nhiều năm trước, chị tận dụng đất bờ bao quanh vuông tôm để trồng hơn 2.000 gốc khóm. Ban đầu tính chỉ đủ ăn hàng ngày, nhưng không ngờ cây khóm chịu hạn tốt, không phải tốn nước tưới nhiều.
"Bình quân một tháng mình trồng khoảng 300 gốc, luân phiên trong năm để khóm cho trái và bán quanh năm", chị Yến nói và cho biết, khóm mình trồng chủ yếu bán cho bà con địa phương và được mọi người ưa thích vì chất lượng khóm ngon, ngọt.
Thấy được hiệu quả từ mô hình này, hiện nay nhiều chị em phụ nữ ở các xã khác trên địa bàn huyện Ngọc Hiển cũng tận dụng diện tích đất trống, đất xung quanh nhà để trồng khóm vừa cải thiện bữa ăn trong gia đình, vừa tăng thu nhập.
Theo Phòng NNPTNT huyện Ngọc Hiển, cây khóm được xác định là một trong các loại cây trồng phù hợp với vùng đất ngập mặn của địa phương. Đến nay, diện tích khóm trên địa bàn huyện khoảng 100 ha, chủ yếu hộ dân trồng theo các bờ bao vuông nuôi tôm.
Ngoài ra, cây khóm chịu được hạn, thích nghi với vùng đất mặn quanh năm, lại ít tốn công chăm sóc, chỉ tốn công trồng ban đầu đến tháng thứ 8 là thu hoạch.
Ông Lê Ngọc Lâm - Chủ tịch Hội Nông dân huyện Ngọc Hiển cho biết, vụ khóm trên vùng đất ngập mặn ở địa phương năm nay vừa trúng vụ, trúng giá nên bà con rất phấn khởi.
Tới đây, Hội Nông dân huyện sẽ tổ chức cho hội viên nông dân và những hộ dân có tâm huyết với với cây khóm đi tham quan ở các vùng trồng khóm hiệu quả ở các tỉnh ngoài để học tập kinh nghiệm. Đồng thời, Hội Nông dân huyện sẽ thí điểm trồng vài chục ha khóm tập trung để thử nghiệm, nếu hiệu quả sẽ nhân rộng trong hộ dân.
Viết bình luận