Trồng nhãn Ido, mỗi năm thu trên 2 tỷ đồng

Những năm gần đây, cây nhãn Ido đã mang lại cho nhiều nông dân cuộc sống sung túc, điển hình như ông Nguyễn Văn Phúc, 60 tuổi, ở ấp Vàm Lịch, xã Chánh An, huyện Mang Thít, tỉnh Vĩnh Long, mỗi năm lời trên 2 tỷ đồng.

09-05-14_1-ong-nguyen-vn-phuc-ben-phi-gioi-thieu-cy-nhn-ido-dng-r-ho-ket-tri-1
Ông Nguyễn Văn Phúc giới thiệu cây nhãn Ido đang ra hoa kết trái

Ông Phúc chia sẻ, gia đình ông trước đây rất nghèo. Sau nhiều năm trồng lúa không hiệu quả, năm 1992 ông đã quyết định cải tạo đất, đắp bờ, lên liếp trồng nhãn. Nhờ chịu khó đi đó đi đây học hỏi kỹ thuật từ các nhà vườn nên ông đã tích lũy được nhiều kinh nghiệm quý báu. Qua tìm hiểu nhận thấy cây nhãn Ido phát triển nhanh, ít sâu bệnh, năng suất cao và tỷ lệ nhiễm bệnh chổi rồng rất thấp, ông đã đốn bỏ những cây nhãn giống cũ bị bệnh để thay bằng nhãn Ido.

Ông cho biết, lúc đầu do giống nhãn ngoại không phù hợp với khí hậu và môi trường miền Tây Nam bộ nên ông đã bỏ ra nhiều năm nghiên cứu ghép nhãn Ido với nhiều loại nhãn khác để tìm ra cây ưu thế nhất. Cuối cùng ông đã thành công ghép cây Ido với cây long nhãn. Cây phát triển tốt, trái sai và ngon nên ông nhân giống trồng đại trà trên 4.000m2 rồi tiến dần lên đến 4ha, tổng cộng hiện có trên 1.200 gốc nhãn Ido. Hiện các cây đều cho trái, sản lượng mỗi năm từ 70 - 100 tấn trái. Năm 2017 ông ước tính sẽ trên 100 tấn, giá bán dao động từ 30.000 – 40.000đ/kg.

Bí quyết thành công của ông là mạnh dạn áp dụng khoa học kỹ thuật vào trong sản xuất, từ khâu chọn giống, làm đất, bón phân, tưới tiêu, trừ sâu bệnh cho đến lúc thu hoạch ông đều tuân thủ các biện pháp kỹ thuật một cách nghiêm ngặt nên vườn nhãn của ông lúc nào cũng tươi tốt, rất ít khi bị bệnh chổi rồng. Quan trọng là sau khi thu hoạch, ông tiến hành cắt tỉa cành già, cành khô héo, bón thêm phân để cây đâm tược chờ mùa sau. Với cách làm của ông, một công nhãn từ 7 năm tuổi trở lên, năng suất có thể đạt từ 2 - 4 tấn/năm.

09-05-14_2-ong-nguyen-vn-phuc-gioi-thieu-chum-nhn-nhn-ido-tri-no-tron-mu-sc-tuoi-dep
Ông Nguyễn Văn Phúc giới thiệu chùm nhãn Ido trái no tròn, màu sắc tươi đẹp

Ngoài ra, ông còn thành thạo về biện pháp xử lý cho cây ra hoa nghịch vụ. Với tinh thần năng động và sáng tạo trong cách ghép, cách xử lý cho cây ra trái nghịch vụ, ông đã được cấp trên tặng giấy khen “Nhà vườn sáng tạo”. Ngoài ra ông còn nhận được nhiều giải thưởng về hội thi trái ngon ở địa phương và khu vực ĐBSCL.

Nhờ trồng theo hướng VietGAP, không sử dụng các loại hóa chất cấm nên nhãn của ông chất lượng bảo đảm, sau khi kiểm nghiệm không có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, các thương lái và các doanh nghiệp từ Đồng Tháp, Tiền Giang, Bến Tre sẵn sàng đến ký hợp đồng thu mua xuất khẩu.

Theo ông Phúc, về chất lượng, nhãn Ido không thua các loại nhãn khác, đặc biệt hạt nhỏ, cơm dầy và giòn, ít nước, độ ngọt vừa phải, được chọn xuất sang thị trường châu Âu và châu Mỹ.

Tuy nhiên, để bán được với giá cao ông đã nghiên cứu, theo dõi thị trường trái cây, nắm bắt được nhãn Thái Lan xuất bán vào thời điểm tháng 7 và rằm tháng 10 âm lịch nên ông né tránh thu hoạch nhãn vào các thời điểm này. Nhờ vậy mà tránh được cảnh “hàng nhiều dội chợ”.

Thấy ông trồng có hiệu quả, nhiều bà con, kể cả miền Bắc cũng vào tham quan, học hỏi. Nhiều người đánh giá đây là loại nhãn “ăn chắc mặc bền”, giúp cho nhà vườn yên tâm, không sợ đầu ra. Nhiều người ở các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long đang tích cực cải tạo đất, trồng bổ sung nhãn Ido trên vườn cây già cỗi, kém hiệu quả để nâng cao thu nhập, tạo cơ hội cho việc mở rộng và phát triển vùng chuyên canh xuất khẩu.

Ông Phúc đang tập trung vào chất lượng sản phẩm đồng thời thời liên kết kết với nông dân xây dựng vùng trồng chuyên canh đạt tiêu chuẩn VietGAP đảm bảo chất lượng an toàn vệ sinh để xây dựng thương hiệu với khách hàng.

"Tuy nhiên muốn nhãn xuất ra thị trường nước ngoài, người trồng ngoài đảm bảo về số lượng, về vệ sinh an toàn thực phẩm còn phải chú trọng đến kích cỡ, màu sắc theo yêu cầu", ông Phúc nói.

09-05-14_3-cc-thuong-li-thu-mu-nhn-idor
Các thương lái thu mua nhãn Ido

Viết bình luận