Lặn lội tìm hướng đi mới trong sản xuất nông nghiệp, một số hộ nông dân ở huyện Than Uyên, Lai Châu đã chuyển đổi từ trồng lúa sang trồng nho Hạ đen, mang lại thu nhập cao gấp 3 - 4 lần so với cây trồng cũ.
Trồng nho Hạ đen cho thu nhập cao gấp 3 đến 4 lần so với cây trồng cũ
Từ khát vọng làm giàu trên mảnh đất quê hương, những người nông dân trên cánh đồng Mường Thanh (huyện Than Uyên, Lai Châu) đã mạnh dạn trồng thí điểm nho Hạ đen, với 500 cây nho trên diện tích 2.000m2. Sau 1 năm trồng, cây nho Hạ đen bắt đầu cho thu hoạch, chất lượng quả tốt, mẫu mã đẹp, ít sâu bệnh. Sau 5 năm bén rễ, đến nay mô hình trồng nho Hạ đen đã mở rộng quy mô lên 1,6ha, cho doanh thu cao gấp 3 - 4 lần trồng lúa. Đây là động lực thúc đẩy người nông dân mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng và làm giàu.
Từ khát vọng làm giàu trên mảnh đất quê hương, gia đình chị Lò Thị Minh ở bản Đán Đăm, xã Hua Nà đã không ngại ngần học hỏi kinh nghiệm trồng nho ở những vùng nông nghiệp có khí hậu thổ nhưỡng tương đồng. Cùng với sự đồng thuận và kết hợp của chính quyền địa phương và Đoàn Thanh niên huyện Than Uyên, gia đình chị Minh đã mạnh dạn chuyển đổi từ trồng lúa nước sang trồng nho Hạ đen, mang lại giá trị kinh tế cao và thu nhập gấp 3 - 4 lần so với trồng lúa.
Chia sẻ với chúng tôi, chị Lò Thị Minh, bản Đán Đăm, xã Hua Nà cho biết: Gia đình tôi nhận thấy mảnh đất Than Uyên rất nhiều màu mỡ và giàu tiềm năng nên đã kết hợp cùng với một số hộ khác cùng đi Sơn La để tham quan học hỏi kinh nghiệm trồng nho Hạ đen. Sau đó, chúng tôi về bàn bạc và đã lựa chọn mua giống nho tại Đại học Nông lâm Bắc Giang đem về Than Uyên trồng. Sau 1 năm trồng, cây nho đã cho thu hoạch quả. Chúng tôi nhận thấy trồng nho Hạ đen đem lại hiệu quả kinh tế cao, nên chúng tôi cùng với một số hộ nông dân quanh đây sẽ mở rộng thêm diện tích trồng nho.
Việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp với thổ nhưỡng đã giúp người nông dân trên vùng đất gió gia tăng thu nhập. Quy mô của vườn nho Hua Nà được mở rộng từ 2.000m ban đầu lên 1,5ha. Ngoài trồng nho, người nông dân xã Hua Nà đã mạnh dạn đầu tư những cây ăn quả khác đáp ứng với nhu cầu thị trường.
Đánh giá về hiệu quả mô hình trồng nho Hạ đen của bà con, bà Lê Thị Hạnh, Chủ tịch UBND xã Hua Nà, huyện Than Uyên, Lai Châu vui mừng bày tỏ: Mô hình này có ưu điểm thứ nhất là năng suất, thứ 2 là chất lượng tốt và thu nhập thì gấp 3 - 4 lần lúa. Ngoài mô hình trồng nho sạch trên địa bàn xã, thì chúng tôi cũng triển khai mô hình ổi, tổng diện tích ổi trên địa bàn xã là 12ha. Cùng với mô hình nho Hạ đen, mô hình ổi đã góp phần tăng thu nhập và giảm nghèo cho bà con trên địa bàn xã.
Nho Hạ đen được sản xuất theo hướng nông nghiệp hữu cơ
Vùng đất gió Than Uyên, Lai Châu bấy lâu nay nổi tiếng với câu ví von dân gian "Nhất Thanh, nhì Lò, tam Than, tứ Tấc". Cánh đồng Mường Than từ nhiều thập niên trước đã nổi tiếng là vùng đất màu mỡ trong ngành nông nghiệp Việt Nam. Giờ đây, vùng đất này không chỉ có cây lúa mà con nhiều loại cây trồng mới được nông dân mạnh dạn sản xuất theo hướng hữu cơ, an toàn với người tiêu dùng.
Chia sẻ với phóng viên, ông Vũ Văn Nội, Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Than Uyên, Lai Châu cho biết: Hiện nay trên địa bàn huyện Than Uyên có nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp sạch, theo hướng hữu cơ, thân thiện với môi trường và đảm bảo sức khoẻ cho người tiêu dùng, đặc biệt là mô hình trồng nho trên địa bàn xã Hua Nà. Sản phẩm nho đã đem lại thu nhập cao cho người lao động tham gia sản xuất, cũng đem lại khát vọng làm giàu từ sản xuất nông nghiệp.
Trong thời gian tới, Phòng sẽ tiếp tục tham mưu lên UBND huyện chỉ đạo nhân rộng các mô hình trồng cây ăn quả để giúp nhân dân có thể phát triển kinh tế, xoá đói giảm nghèo từ trồng cây ăn quả.
Nhìn từ thực tế, việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng đã giúp chuyển dịch từ kinh tế nông thôn sang kinh tế thị trường, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng; giúp xây ước mơ và khát vọng làm giàu trên mảnh đất quê hương của những người nông dân vùng đất gió Than Uyên.
Viết bình luận