Sa nhân thuộc loại cây thân thảo cao khoảng hai đến ba mét, nhìn gần giống như cây riềng nhưng rễ không phát triển thành củ mà bò lan dưới lớp đất mỏng, có khi nổi lên trên mặt đất. Lá mọc so le có bẹ dài, phiến lá hình trái xoan, mặt lá xanh thẫm, láng bóng. Hoa mầu trắng, đốm tía, mọc thành chùm. Quả cuống ngắn có gai, hình tròn hoặc bầu dục có ba ô mang ba khối hạt mầu nâu sẫm, mùi thơm nồng. |
Trong Đông y, hai loài sa nhân thường sử dụng là sa nhân tím và sa nhân trắng vì có giá trị dược liệu cao. Cây trồng sau hai đến ba năm bắt đầu cho thu hoạch và rễ cây lan tới đâu thì diện tích trồng tự được mở rộng tới đó.
Với lợi thế về điều kiện đất đai, thổ nhưỡng, khí hậu cũng như tập quán canh tác của đồng bào dân tộc thiểu số, những năm qua, xã Tung Chung Phố, huyện Mường Khương (Lào Cai) đã trồng hơn 10 ha sa nhân. Điển hình là hộ gia đình ông Phào Seo Phà, dân tộc Mông, ở thôn Cán Hồ có 7.000 gốc sa nhân cho thu hoạch ổn định, thu nhập hơn 200 triệu đồng/năm. Theo ông Phào Seo Phà, so với trồng các loại cây khác, trồng cây sa nhân không phải làm cỏ mà chỉ cần bón phân một lần duy nhất vào lúc mới trồng, cho nên ít tốn chi phí đầu tư, hiệu quả kinh tế cao. Nhờ cây sa nhân mà từ một hộ nghèo trong thôn, gia đình ông Phà đã thoát nghèo, xây được ngôi nhà khang trang và mua sắm được nhiều vật dụng sinh hoạt có giá trị. Từ mô hình của gia đình ông Phà, nhiều hộ trong xã đã nhân giống và trồng sa nhân, tất cả đều phát triển tốt, mang lại thu nhập cao. Như gia đình anh Thào Seo Dế (thôn Vả Thàng, xã Tung Chung Phố), năm 2013 đã cải tạo lại hơn một héc-ta đất đồi để trồng cây sa nhân xen với mỡ, keo. Đầu năm 2017 gia đình anh thu hoạch vụ đầu thu về gần 100 triệu đồng. Ngoài hiệu quả kinh tế, cây sa nhân trồng dưới tán rừng còn giúp chống rửa trôi và xói mòn đất, góp phần bảo vệ tài nguyên rừng, tăng độ phì nhiêu cho đất. Theo ông Phạm Xuân Thịnh, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Mường Khương, cây sa nhân không chỉ phát triển ở xã Tung Chung Phố mà đã trở thành cây thế mạnh của toàn huyện. Hiện cây sa nhân được trồng tập trung ở các xã vùng cao như Phìn Ngan (60 ha), Nậm Chảy (40 ha) trên diện tích rừng trồng và rừng tái sinh ở một số thôn bản. Vài năm nữa, khi sa nhân cho thu hoạch sẽ mang lại lợi nhuận không nhỏ, giúp nhiều hộ dân thoát nghèo, vươn lên làm giàu. |
TRỒNG SA NHÂN CHO HIỆU QUẢ KINH TẾ CAO
- 08/ 12/ 2017
- Nguyễn Thị Tuyết Nhung
- 0 Nhận xét
Viết bình luận