TP - “Việc tui đùng đùng phá bỏ hàng chục ha rừng tràm đang cho thu nhập ổn định để bứng sim rừng về trồng đã chịu không ít thị phi, đàm tiếu. Có người còn chửi thẳng mặt tui là thằng khùng, thằng điên. Nhưng ở cái xứ chó ăn đá, gà ăn sỏi này không có những ý tưởng điên khùng thì khó thoát cảnh nghèo khó” - anh Phan Thanh Nhàn nói.
Năm nay vừa bước vào tuổi 40 nhưng vợ chồng anh Nhàn đã có một cơ ngơi khá vững chắc nhờ vào sự siêng năng, cần cù lao động. Quảng Tiến quê anh Nhàn là một xã vùng gò đồi, đất đai cằn cỗi, nằm dưới dãy Hoành Sơn. Cuộc sống của người dân nơi đây chủ yếu dựa vào rừng, hết rừng tự nhiên thì quay sang trồng rừng kinh tế.
“Nhàn khùng”
Sau nhiều năm quăng quật với hơn 15 ha đồi trọc, đá nhiều hơn đất, vợ chồng anh Nhàn cũng có thu nhập ổn định hàng năm gần 200 triệu đồng từ trồng rừng. Ở nơi vùng quê heo hút này, cuộc sống của 4 người như gia đình anh Nhàn là niềm mơ ước của nhiều người.
Nhưng rồi, đầu năm 2015, người dân xã Quảng Tiến (Quảng Trạch, Quảng Bình) mắt tròn, mắt dẹt khi thấy anh Nhàn thuê người chặt phá rừng keo để chuyển sang trồng sim. Sau khi cày xới lại đất, vợ chồng anh Nhàn thuê hàng chục người dân địa phương vào rừng bứng cây sim dại về trồng.“Nói thiệt, vợ chồng chú ấy thuê thì tui làm, nhưng nhận của chú ấy 200 nghìn một ngày cũng ái ngại lắm.Cũng không biết chú ấy nghĩ chi mà trồng sim, chứ ở đây chẳng ai làm như chú ấy cả” – một người làm công lo lắng cho anh Nhàn.
Theo anh Nhàn, công việc trồng sim lúc đầu không dễ dàng gì.Cây sim sống hoang dại nên cần phải bứng được cả bầu đất mới có hi vọng sống. Để trồng được 2 vạn gốc sim, trên diện tích chừng 2 ha, vợ chồng anh Nhàn đã phải đầu tư hơn 200 triệu đồng, chưa kể công chăm sóc, tưới tắm.“Cây sim vốn sống trên đất cằn, sỏi đá và chịu hạn rất tốt, nhưng khi mình bứng về trồng ở vùng đất mới, phải thường xuyên tưới nước để cây có sức và dần quen với đất lạ. Hai vợ chồng tui phải nai lưng ra gánh nước lên đồi tưới hằng ngày đó” – anh Nhàn nói.
Anh Nhàn tin tưởng vụ đầu tiên này anh đã thu hồi đủ vốn.
“Vua sim”
Nói về ý tưởng trồng sim “có một không hai”, anh Nhàn cho biết, đã toan tính rất kỹ trước khi thực hiện, chứ không hề “khùng, điên” như mọi người nghĩ. Thực ra, trước khi phá bỏ rừng keo đang cho thu nhập ổn định, anh là một người buôn sim, hay đúng hơn anh là đầu nậu sim ở vùng Quảng Bình, Quảng Trị, Hà Tĩnh. Đầu ra cho trái sim là Hà Nội, TPHCM...
Hai năm trở lại đây, lượng sim thu mua được ngày càng ít đi. Mặc dù anh Nhàn đã tăng giá khá cao, nhưng nhiều đầu nậu phải trả lại tiền, vì không thu mua được sim.
Nguyên nhân của việc sim rừng ngày càng khan hiếm, theo anh Nhàn, là do đất đồi, đất rừng hoang ngày càng thu hẹp. Người ta khai hoang để trồng rừng và các loại cây trồng khác nên cây sim không còn đất sống.Ngay như ở Quảng Tiến quê anh, những năm trước sim mọc khắp nơi, nhưng nay gần như vắng bóng.
“Sau nhiều năm buôn sim tui biết, nhu cầu thực tế của quả sim rất lớn. Chưa nói là nhập cho các nhà máy rượu, mà ngay dân thành phố cũng rất thích ăn quả sim rừng, hoặc dùng để ngâm đường hoặc rượu. Với sức tàn phá rừng tự nhiên như hiện nay, không lâu nữa, ngay cả dân rừng cũng khó kiếm ra quả sim mà ăn.Vậy tại sao mình không trồng cây sim như một loại cây trồng khác, trong khi hiệu quả kinh tế của nó đem lại không hề thua kém bất kỳ một loại cây trồng nào khác?” – anh Nhàn nói.
Theo anh Nhàn, mỗi bụi sim, nếu chăm sóc tốt sẽ cho 1 - 3 kg quả. Với diện tích ban đầu hơn 2 ha, khoảng 20 nghìn cây sim, mỗi vụ anh thu hoạch được từ 20 đến 60 tấn sim. Chỉ cần lấy giá thấp nhất là 10 ngàn đồng/kg, mỗi vụ gia đình anh thu 200 - 600 triệu đồng.
“Cây sim khi bén đất rồi thì rất dễ chăm sóc, chỉ bón phân nhẹ, tưới nước là đã cho ra trái to, đều và mật sim nhiều hơn. Ở dải đất miền Trung này, trong khi trồng các loại cây trồng khác như keo, cao su… người dân luôn phải lo ngay ngáy vì sợ bão quật gãy thì cây sim không bao giờ bị hề hấn gì” – anh Nhàn cho biết.
Tin tưởng vào hướng đi mới lạ của mình, vợ chồng anh Nhàn đang tiếp tục “chuyển đổi” hết 15 ha rừng keo của gia đình sang trồng sim. Khi có vốn anh sẽ mua thêm đất ở những vùng đồi cằn cỗi để trồng sim, với ước mơ biến vùng đất Quảng Tiến thành một vùng nguyên liệu sim để cung cấp cho thị trường.
Viết bình luận