Trồng xoài Đài Loan “một vốn bốn lời”

So với các loại cây ăn trái khác, xoài Đài Loan được xem là loại cây trồng khá mới được trồng tại Bình Dương. Với năng suất, giá thành ổn định sẽ giúp nông dân vươn lên phát triển kinh tế. Nông dân Diệp Văn Hòa (SN 1976, ấp Gia Biện, Tam Lập, Phú Giáo) được xem là người khởi xướng và đã thành công với mô hình trồng xoài Đài Loan, thu nhập trên 400 triệu đồng/năm.

Anh Diệp Văn Hòa quê tại Tuyên Quang. Năm 2000, cuộc sống tại quê nhà khó khăn, anh cùng gia đình đến Bình Dương “an cư lạc nghiệp”. Ban đầu, anh mua đất trồng điều và cao su, bên cạnh đó trồng xen kẽ vài cây xoài để ăn chơi. Nhận thấy đất vườn phù hợp với cây xoài, anh nảy ra ý định tìm giống xoài có giá trị kinh tế cao về trồng. 
Sau quá trình tìm hiểu, anh quyết định chọn giống xoài Đài Loan bởi dễ trồng, nhẹ công chăm sóc, khi ra hoa tỷ lệ đậu khá cao. Đặc biệt, ra quả ngay sau năm đầu tiên, không có hiện tượng ra hoa nhiều nhưng không đậu quả như một số giống xoài khác. Quả to, trọng lượng trung bình đạt 1 - 1,5kg, cùi dày, thịt quả đanh chắc, hạt mỏng, ăn ngọt đậm, đặc biệt ăn xanh cũng ngọt và sức sinh trưởng vượt trội so với các giống xoài khác.

Anh Hòa thường xuyên thăm vườn xoài để phát hiện sâu bệnh


Sau khi nghiên cứu, năm 2010, anh mạnh dạn đầu tư trồng thử 1,5 ha. Giống được mua từ Viện Nghiên cứu cây ăn quả miền Nam (Tiền Giang), với giá 6.000 đồng/ cây con. Mật độ trồng 10x10m, anh trồng được 150 gốc. Theo anh Hòa, xoài Đài Loan, tuy là một cây “dễ tính”, thích ứng cao với điều kiện sinh thái khác nhau, nhưng trong thời kỳ đầu của sự phát triển nếu tạo được điều kiện thuận lợi như: Trồng trên đất tơi mục, vị trí trồng tương đối cao, bảo đảm đủ ẩm, nhưng thoát nước, vào mùa có nhiệt độ cao thì cây xoài vẫn sinh trưởng và phát triển tốt hơn. 
Hố trồng đường kính 80cm, sâu 50 - 60cm. Mỗi năm có 2 lần bón phân đáng chú ý là trước khi xoài ra hoa và sau khi thu hoạch quả. Phân được sử dụng là phân chuồng hoai mục, phân NPK. Tuy nhiên, cây có nhược điểm dễ bị rầy xanh, rệp sáp, rệp dính và sâu đục thân. Do đó, người trồng cần thường xuyên thăm nom vườn phát hiện, sử dụng thuốc để ngăn chặn kịp thời.
Hiện nay, vườn xoài của anh được hơn 2 năm tuổi và đã cho thu hoạch 2 vụ. Trung bình một cây cho hơn 30 trái, trọng lượng mỗi trái từ 1kg trở lên. Vốn kiến thức học được từ sách báo, nghe đài và các cuộc hội thảo, anh mang áp dụng vào vườn xoài đem lại hiệu quả cao, mỗi năm anh xử lý cho cây xoài ra trái rải vụ, thu hoạch sau Tết Nguyên đán và dịp mùng 5 tháng 5 (âm lịch). 
Anh Hòa chia sẻ kinh nghiệm: “Để thu hoạch xoài vào khoảng tháng 3, đầu tháng 11 phải xử lý bằng cách xới gốc cây cho đều, tưới nước cho ướt rồi rải thuốc kích thích cây ra hoa (trọng lượng 1kg sử dụng cho 10 - 15 cây, tùy cây lớn nhỏ). Tiếp tục tưới nước cho thuốc rút lên thân, sang tuần thứ 2 dùng phân bón gốc có Kali (trọng lượng khoảng 450kg/500 cây) và sau đó chỉ tưới nước đến khi thấy cây ra hoa dùng thêm phân bón lá Biôtít phun sương nhằm giúp lá xanh tốt, cây trổ bông dài… thời gian từ khi xử lý đến thu hoạch khoảng 4 - 5 tháng”.
Sau 2 vụ, anh thu được hơn 6 tấn xoài, với giá dao động từ 15.000 - 17.000 đồng/kg. Sau khi trừ chi phí còn lãi hơn 400 triệu đồng. Thấy ưu điểm của giống xoài Đài Loan, nhiều nông dân trong ấp đã đến học hỏi kinh nghiệm và trồng thử tại vườn mình. Tuy nhiên, theo anh Hòa, cái khó khăn nhất vẫn là đầu ra sản phẩm. Bởi, giống xoài này còn mới lạ với người dân. Thấy trái xoài quá to, mọi người sợ xoài Trung Quốc nên không dám sử dụng. 
Bên cạnh đó, trái xoài nặng hơn 1kg, người mua cũng ngại khi mua về không dùng hết. Do đó, anh Hòa cũng như những người dân đang thử nghiệm, rất mong được sự quan tâm của chính quyền về khoa học kỹ thuật, quảng bá sản phẩm đến người tiêu dùng. Từ đó, giúp nông dân vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống.

Viết bình luận