Xoài vốn là một trong những loại trái cây chủ lực của vùng ĐBSCL, nhưng nhiều năm nay đã được bà con nông dân mang về trồng khá nhiều ở tỉnh miền Đông Bình Phước. Kết quả cho thấy, nhiều giống xoài phù hợp với vùng đất mới và đang là nguồn thu đáng kể cho bà con nông dân.
Thu hơn nửa tỷ đồng/vụ
Chúng tôi đến thăm vườn xoài cát Hòa Lộc gần 3ha của gia đình anh Hà Minh Tuấn ở ấp Suối Da, xã Tân Hưng, huyện Đồng Phú, Bình Phước giữa lúc ông chủ vườn đang cùng vài người tất bật thu hái xoài trên cây bằng lồng vợt lưới mềm.
Thu hoạch xoài cát Hòa Lộc ở vườn của anh Hà Minh Tuấn |
Anh Tuấn cho biết: “Mọi năm vườn xoài này có thể đạt trên 15 tấn/vụ. Nhưng năm nay kém hơn, vì bị mấy đợt mưa trái mùa, sương muối nên xoài cũng bị nhiễm thán thư, thối bông. Năm nay năng suất chỉ đạt khoảng 3 tấn/ha, nhưng với giá bán tại vườn từ 50 - 70 ngàn đồng/kg, tôi vẫn kiếm hơn nửa tỷ. Tôi trồng xoài cũng lâu rồi, nên thấy cây này rất thích hợp với thổ nhưỡng ở đây. Chất lượng thì khỏi chê”.
Được biết, anh Tuấn quê gốc ở Đồng Tháp, một trong những vùng trồng khá nhiều xoài, trong đó có xoài cát Hòa Lộc, lên Bình Phước lập nghiệp từ năm 1999. Vốn đã đã có kinh nghiệm trồng cây ăn trái nên ngay từ đầu anh đã có ý định trồng xoài cát Hòa Lộc, xen vào vườn là nhãn và một ít sầu riêng. Ưu điểm của xoài cát Hòa Lộc là thịt dai, ngọt, nhiều cát nên có cảm giác bùi. Sau một thời gian, anh thấy xoài phát triển tốt, năng suất, chất lượng không thua kém ở miền Tây, nên anh quyết định đầu tư hết cho cây xoài.
Để phòng trừ sâu rầy, kháng bệnh tốt, nhất là sương muối, ngay khi trái nhỏ bằng ngón chân cái, anh Tuấn bắt đầu dùng bọc ni lông để bọc trái đến khi thu hoạch. Nhờ vậy mà trái xoài có màu da bóng, đẹp, bắt mắt, nên dù giá bán cao hơn thị trường, vẫn được thương lái chấp nhận. Để đảm bảo nguồn nước tưới cho xoài, anh làm một hệ thống mương, ao chứa nước, làm bồn quanh gốc xoài, tưới trực tiếp vào gốc, sau mới bỏ phân. Khi phân thấm dần vào đất, anh tiếp tục tưới 1 - 2 đợt trước khi vào mùa mưa.
Những thùng xoài thương lái mua, chuẩn bị mang về TP.HCM tiêu thụ |
Tương tự, vườn xoài 1ha của bà Nguyễn Thị Dung, ở khu phố Suối Đá, phường Tân Xuân, TX Đồng Xoài cũng là xoài cát Hòa Lộc. “Năm nay, hạn nặng khiến nhiều vườn cây ăn trái bị ảnh hưởng, riêng vườn xoài của gia đình tôi, do tôi phòng ngừa trước nên không bị ảnh hưởng nhiều, năng suất vẫn đạt hơn 6 tấn, sau khi trừ chi phí, vẫn thu về 120 triệu đồng”, bà Dung cho biết.
Xoài xiêm núm thu nhập cũng không kém
Trong khi anh Tuấn, bà Dung trồng xoài cát Hòa Lộc thì vườn xoài hơn 2ha của gia đình anh Hồ Minh Tùng ở ấp Tân Lập, xã Tân Hiệp, huyện Hớn Quản lại trồng giống xoài xiêm núm. Mặc dù giá thấp hơn xoài cát Hòa Lộc nhiều, nhưng theo anh Tùng, giống xoài này dễ trồng, vị ngọt, thơm nên cũng được nhiều người ưa chuộng. Để có giống tốt, anh xuống tận các tỉnh miền Tây mua về trồng. Nhờ biết chăm sóc tốt nên 2ha vườn xoài xiêm núm luôn đạt năng suất cao. Bình quân mỗi vụ gia đình anh thu từ 300 - 400 triệu đồng.
Theo anh Tùng, so với các loại trái cây ăn trái khác, cây xoài chịu hạn, chịu úng tốt. Xoài được trồng quanh năm nhưng tốt nhất là vào đầu mùa mưa. Đây là giống cây lâu năm nên khi trồng cần chú ý mật độ. Trong thời kỳ cây còn nhỏ việc tưới nước có thể tiến hành quanh năm nhằm cung cấp đủ nước cho các đợt lộc non hình thành và phát triển. Đặc biệt trong thời gian đầu sau khi trồng mới, việc tưới nước cần phải duy trì từ 3 - 4 ngày/lần. Tuy nhiên khi cây càng lớn số lần tưới nước càng giảm.
Khi trái xoài bằng ngón chân cái đã được bọc túi ni lông bảo vệ |
Theo kinh nghiệm của anh Tùng, khi đã có kế hoạch chọn cây xoài để đầu tư cần nắm vững kỹ thuật trồng cũng như cách chăm sóc để giống xoài đạt năng suất cao. Do đó, trước khi trồng xoài từ 1 - 3 tháng, đào hố vuông, rộng 70 - 80cm, sâu 50 - 70cm. Bón phân lót cho 1 hố: 20-30kg phân chuồng mục + 1-2kg super lân + 0,1kg kali + 0,3-0,5kg vôi bột. Trộn đều phân với đất, lấp bằng miệng hố. Khi cây ra chồi thứ cấp, chọn 3 chồi phát triển mạnh nằm theo hình tam giác đều, bấm đọt như trên, để cho đến khi chồi non của 3 chồi này mọc ra đủ 3 cơi lá nữa thì bấm ngọn tiếp. Cứ thế bấm đọt đến lần thứ 3 thì thôi, để cho cây phát triển tự nhiên. Ở giai đoạn cây trưởng thành, nên cắt tỉa những cành mọc bên trong tán, cành quá gần mặt đất, cành sâu bệnh, cành không hiệu quả và cuống hoa, nhánh vụn của mùa trước.
Còn theo bà Dung, khi cây xoài ra hoa và trái non, có thể phun thuốc như Pyrinex, Sago Super, Butyl, bảo vệ hoa lần 1 khi phát hoa dài 2 - 3cm để ngừa rầy chích hút. Lần hai phun khi hoa đạt kích thước tối đa. Sau đó, ngưng phun thuốc để bảo vệ côn trùng có ích giúp hoa thụ phấn. Trong giai đoạn này, nếu mưa nhiều, nhất là mưa đêm sáng hôm sau rung cành cho rụng bớt hoa không thụ phấn, kết hợp phun thuốc phòng nấm gây bệnh thán thư: Bendazol, Carbenzim. Và cứ mỗi lần mưa xong là phun thuốc.
Khi trái non đạt kích thước đường kính 1 - 2mm nên phun thuốc ngừa bệnh thán thư kết hợp các loại thuốc như: Antracol, Viben-C và phun Pyrinex, Fastac để ngừa sâu rầy. Sau khi thu hoạch, cần vệ sinh xung quanh tán cây, cắt tỉa cành già, cành sâu bệnh và tiếp tục chăm sóc. Ngoài ra cần bổ sung magie, đồng, kẽm, kali, lân trộn lại bón xung quanh gốc để cây hồi sức.
“Cây xoài thích hợp với vùng đất Bình Phước và đang là nguồn thu đáng kể cho bà con nông dân. Tuy nhiên, trước khi quyết định đầu tư cho cây xoài, bà con cần nắm rõ kiến thức về chăm sóc, đặc tính từng giống xoài, tham khảo những nhà vườn đi trước và cán bộ khuyến nông. Sau đó là đầu ra. Muốn có đầu ra ổn định và phát triển bền vững, yếu tố sống còn là phải cung cấp cho thị trường sản phẩm sạch, an toàn”, ông Nguyễn Văn Lộc, GĐ Sở NN-PTNT Bình Phước. |
Viết bình luận