Tuyệt chiêu cho nhãn ra hoa trái vụ

Trong khi các vườn nhãn trong tỉnh sắp đến kỳ thu hoạch quả thì nhiều cây nhãn của lão nông Hoàng Quang Tuấn ở xã Đại Hưng, huyện Khoái Châu, Hưng Yên mới bắt đầu ra hoa giữa mùa hè.

Cuối vụ xuân năm nay, trong khi các trà nhãn trong khu vực đều đã tắt hoa, lộ quả, thì nhiều cây nhãn trong vườn nhà lão nông Hoàng Quang Tuấn mới bắt đầu ra hoa. Có thể coi là trà hoa cực muộn, quý hiếm... Tôi còn chưa hết sự trầm trồ, ông Tuấn đã tiếp lời: "Chưa hết đâu “sếp” ạ!".

14-26-57_nhn_r_ho_giu_mu_he
Cây nhãn đã ra quả lại tiếp tục ra hoa giữa mùa hè

Và phải đợi thêm 2 tháng nữa (quá nửa mùa hè), khi các vườn nhãn ở địa phương đang sắp cho thu hoạch quả, ông Tuấn mới lại “nháy máy” cho tôi: "Mời bác đến thăm nhãn ra hoa giữa mùa hè - hoa trái vụ".

Đi thăm khắp vườn nhãn của gia đình ông Tuấn chúng tôi thấy, bên cạnh gần 500 gốc nhãn đang mang quả đều tăm tắp, lại có cả chục cây nhãn mới bắt đầu ra hoa. Nhãn ra hoa không chỉ ở các cây không ra quả chính vụ, mà nhiều cây nhãn còn vừa mang hoa vừa mang quả.

Để cây nhãn ra hoa cực muộn và ra hoa trái vụ, ông Tuấn vẫn chỉ sử dụng kinh nghiệm khắc phục nhãn ra hoa cách vụ của các nhà nông khi xưa như, chăm bón cho cây phát triển cân đối; phòng trừ sâu bệnh kịp thời; khoanh tiện vỏ thân cây, thân cành...

Nét mới trong cách làm cho nhãn ra cực muộn và ra hoa trái vụ của ông Tuấn là, chọn thời điểm khoanh cây, khoanh cành thích hợp như khoanh tiện vỏ thân cây/cành muộn hơn so với thời điểm khoanh cây cho nhãn ra hoa chính vụ khoảng 1 tháng (để nhãn ra hoa chính vụ cần khoanh tiện vỏ thân cây/cành khoảng tiết Đông chí - giữa tháng 12 DL).

Theo ông Tuấn, nếu không có biến động bất thường về thời tiết, thì trà nhãn trái vụ sẽ cho quả vào mùa đông (khoảng 20 tháng 11 DL). Bởi vì năm 2010 ông đã từng thành công cho nhãn ra hoa giữa mùa hè, thu hoạch quả trong mùa đông, trong khi trọng lượng quả và chất lượng quả không đổi so với trà nhãn ra chính vụ.

Sở dĩ từ năm 2010 tới nay ông Tuấn mới cho nhãn ra hoa trái vụ trở lại, vì quãng thời gian đó anh phải tập trung cho các kế hoạch sản xuất khác.

Hiện trà nhãn ra hoa cực muộn của gia đình ông Tuấn đã khá sai quả, dự kiến sẽ cho thu hoạch muộn hơn so với các trà nhãn muộn ở đây 10 - 15 ngày.

Nếu như những năm trước đây ở một số địa phương có nhãn cho thu hoạch đến giữa tháng 10 đã được coi là của hiếm. Thì nay ông Tuấn có nhãn cho hoạch tới 20 tháng 11, có thể coi là hàng “độc”. Thành công này, sẽ mở ra triển vọng mới cho các nhà vườn chuyên canh nhãn.

Không chỉ là một lão nông lão luyện trong nghề làm vườn, ông Tuấn còn là một cao thủ trong nghề thâm canh cá. Hiện ông đang nuôi thả thường xuyên 3ha cá các loại, trong đó có 1ha cá nuôi thâm canh. Trên diện tích đó, năm 2016 trung bình mỗi mét vuông mặt nước ao nuôi ông thu được hơn 6kg cá thương phẩm, được coi là siêu năng suất, tương đương năng suất nuôi thâm canh cá của các quốc gia tiên tiến trên thế giới.

Biết tiếng ông Tuấn, đã có rất nhiều chủ trại nuôi cá khắp các tỉnh thành trên miền Bắc đến thăm quan và học hỏi kinh nghiệm. Trong đó, khá nhiều trại cá nhờ tư vấn kỹ thuật kịp thời từ ông Tuấn, đã thoát khỏi bờ vực phá sản, chủ trại nuôi cá Vũ Thị Thắm ở xã Hoà Phong, huyện Mỹ Hào, Hưng Yên là một ví dụ.

Đầu năm 2017 vừa qua, nhà vườn Nguyễn Quang Tuấn đã vinh dự được ông Đỗ Tiến Sĩ, Uỷ viên TƯ Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ Hưng Yên đến thăm và khích lệ.

Mặc dù mới ở tuổi gần 50, nhưng ông Hoàng Quang Tuấn đã thành công và tích luỹ được rất nhiều kinh nghiệm quý trong nghề làm vườn và chăn nuôi thuỷ sản nước ngọt. Có thể coi là một “hiện tượng”. Nên chăng, các nhà chuyên môn sớm vào cuộc tìm hiểu, tổng kết để nhân rộng mô hình.

Viết bình luận