Ứng dụng công nghệ cao, nhiều loại trái cây của tỉnh Hòa Bình bán đắt hàng

Vài năm trở lại đây, sản xuất nông nghiệp của tỉnh Hòa Bình tiếp tục có những bước tiến mới, ổn định, nông sản của địa phương ngày càng khẳng định được thương hiệu, vị thế trên thị trường.

Một trong những giải pháp để có được kết quả đó là việc chính quyền và người dân, doanh nghiệp ở Hòa Bình đã năng động ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất và đưa nông sản lên sàn thương mại điện tử.

Ứng dụng công nghệ số trong sản xuất

Hòa Bình là tỉnh thuộc vùng Trung du miền núi phía Bắc, có diện tích sản xuất cây ăn quả có múi khá lớn, chiếm 5% diện tích của cả nước.

Năm 2021 diện tích cây có múi của tỉnh Hòa Bình đạt khoảng 10.500ha; trong đó riêng diện tích cam, bưởi trồng tập trung đạt 9.053ha, với 7.429ha giai đoạn kinh doanh, sản lượng đạt 166.700 tấn. 

Đến nay, tỉnh đã hình thành những vùng sản xuất hàng hóa lớn, tập trung, có điều kiện thâm canh cao, nổi tiếng, như vùng sản xuất cam Cao Phong, Kim Bôi, Lạc Thủy; bưởi đỏ tại Tân Lạc; bưởi Diễn Yên Thủy, Lương Sơn…

Ứng dụng công nghệ cao “lên đời” trái cây Hòa Bình   - Ảnh 1.
Nhân viên Viettel Post tới tận vườn livestream bán hàng và hướng dẫn kỹ năng bán hàng trên sàn thương mại điện tử cho các hộ thành viên HTX dịch vụ nông nghiệp Sơn Thủy (xã Xuân Thủy, huyện Kim Bôi). Ảnh: Thu Thủy

Thời gian qua, ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Hòa Bình đã quan tâm phát triển các mô hình sản xuất nông nghiệp sạch, ứng dụng công nghệ cao. Việc ứng dụng công nghệ cao được cụ thể hóa trong quản lý, điều hành, tra cứu thông tin thị trường, xúc tiến thương mại tiêu thụ sản phẩm…, đặc biệt là ở lĩnh vực trồng cây ăn quả.

Điển hình với các mô hình ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp thông minh, nông nghiệp hữu cơ, VietGAP; công nghệ tưới nhỏ giọt, điều khiển tự động chăm sóc cây trồng trong nhà màng, nhà lưới; sử dụng máy bay không người lái để phun thuốc bảo vệ thực vật; hỗ trợ xây dựng, cấp, quản lý mã số vùng trồng đối với các cây trồng; ứng dụng công nghệ thông tin trong truy xuất nguồn gốc nông sản…

Tại huyện Lạc Thủy, công nghệ cao góp phần tạo đột phá cho nông nghiệp, nông thôn của địa phương. Trao đổi với phóng viên, ông Hoàng Đình Chính - Phó trưởng Phòng NNPTNT huyện Lạc Thủy cho biết: Trên địa bàn huyện xuất hiện nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp hiện đại như mô hình trồng dưa trong nhà lưới của Công ty TNHH MTV Hòa Bình GAP, Công ty CP nông trại hữu cơ Việt Nam; Ứng dụng công nghệ tưới thông minh điều khiển bằng máy tự động cho cây ăn quả có múi của anh Vũ Duy Tân (xã Thống Nhất)…

Đặc biệt, từ năm 2021 tới nay, Lạc Thủy đã mạnh mẽ bứt tốc đưa sản phẩm nông nghiệp lên sàn thương mại điện tử Postmart.vn và Voso.vn. Huyện Lạc Thủy được đánh giá là địa phương dẫn đầu tỉnh trong việc đưa nông sản lên sàn thương mại điện tử.

Nông sản vươn xa nhờ sàn thương mại điện tử

Ứng dụng công nghệ cao “lên đời” trái cây Hòa Bình   - Ảnh 3.
Anh Trịnh Văn Toàn (Khu 1, thị trấn Cao Phong, huyện Cao Phong) chăm sóc vườn cam của gia đình. Ảnh: M.N

Ông Đặng Văn Hà (ở HTX Hà Phong, xã Bắc Phong, huyện Cao Phong, Hòa Bình) cho biết, trước đây, cam Cao Phong trồng ra quanh quẩn bán ở chợ quê và các khu vực lân cận. Những quả cam to, ngon, đẹp mã thì bán buôn được cho thương lái. Nông dân cũng thường rơi vào tình trạng được mùa mất giá, được giá mất mùa.

Vài năm trở lại đây, HTX Hà Phong được hướng dẫn ứng dụng công nghệ hiện đại gắn với thương mại điện tử vào sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Toàn bộ thông tin, nhật ký sản xuất, dữ liệu về lô, thửa, nơi sản xuất, canh tác đã được HTX đưa vào hệ thống thiết bị thông minh như điện thoại, máy tính. Đồng thời, sản phẩm cam của HTX được công nhận sản phẩm OCOP, dán tem truy xuất nguồn gốc rõ ràng.

"Hiện, nhà nông như tôi, dù đi chơi, đi du lịch hay ở bất cứ đâu đều có thể theo dõi đơn đặt hàng, chốt đơn... qua phần mềm bán hàng. Đưa cam lên sàn thương mại điện tử, mỗi năm, HTX chúng tôi tiêu thụ quả cam Cao Phong nhàn tênh, giá cả ổn định, thu tiền tức khắc. Đúng với mô hình từ vườn đến bàn ăn, cam Cao Phong đặt qua sàn thương mại điện tử sẽ được thu hoạch trực tiếp tại vùng trồng ở huyện Cao Phong rồi đóng gói và vận chuyển đến tay người mua chỉ trong vòng vài ngày" - ông Hà hồ hởi nói.

Ông Bùi Văn Dán - Trưởng phòng NNPTNT huyện Cao Phong chia sẻ: "So với các phương thức tiêu thụ truyền thống, kênh bán hàng trực tuyến qua các sàn thương mại điện tử không những mở thêm cơ hội mới cho các hộ nông dân Cao Phong có thể giới thiệu sản phẩm tới rộng rãi người tiêu dùng trên mọi miền đất nước, mà còn hỗ trợ tiêu thụ nhanh và trực tiếp tới khách hàng, tránh bị thương lái ép giá".

Ông Nguyễn Thanh Hải - Giám đốc Bưu điện tỉnh Hòa Bình cho biết, đơn vị luôn sẵn sàng đồng hành, chia sẻ cùng bà con nông dân Cao Phong để tiêu thụ nhanh nhất với mức giá tốt nhất cho cả người bán và người mua. "Chúng tôi mong muốn sàn thương mại điện tử Postmart.vn sẽ mở ra nhiều cơ hội kinh doanh lớn cho các hộ sản xuất nông nghiệp trong việc tiếp cận trực tiếp với khách hàng thông qua môi trường số. Bưu điện tỉnh Hòa Bình sẽ đem trọn vẹn hương vị cam Cao Phong đến tận tay khách hàng chỉ sau một click chuột đặt mua trên sàn thương mại điện tử Postmart.vn" - ông Hải bày tỏ.

Ông Nguyễn Huy Nhuận - Giám đốc Sở NNPTNT Hòa Bình nhấn mạnh: Đưa nông sản lên sàn thương mại điện tử góp phần tạo thêm kênh phân phối mới, hiện đại và bền vững cho nông sản địa phương; tạo không gian kinh doanh mở, định vị đúng giá trị thương hiệu, nâng cao giá trị sản phẩm.

Đồng thời, mang lại nhiều cơ hội để nông sản chất lượng cao của tỉnh đến tay người tiêu dùng trong nước và vươn tới quốc tế. Sàn thương mại điện tử giúp tiết kiệm chi phí, đảm bảo an toàn, góp phần đắc lực phát triển kinh tế xã hội. 

Bên cạnh đó, thông qua sàn thương mại điện tử và nền tảng số cung cấp các thông tin hữu ích cho các hộ sản xuất nông nghiệp như thông tin thị trường nông sản, dự báo nhu cầu và năng lực sản xuất nông sản, thông tin thời tiết mùa vụ… 

Viết bình luận