ƯƠM ‘VÀNG’ TRÊN CỔNG TRỜI QUẢN BẠ

Với độ cao hơn 1.500m so với mực nước biển, huyện Quản Bạ của tỉnh Hà Giang có lợi thế là vùng có khí hậu mát mẻ, nơi đây được ví như một Đà Lạt của phía Bắc. Quản Bạ còn có nguồn dược liệu tự nhiên rất đa dạng và phong phú.

Từ việc “bắt” đất nở hoa

Từ thành phố Hà Giang đến huyện Quản Bạ là con đường ngoằn ngoèo, khúc khuỷu cheo leo trên vách núi với lởm chởm đá tai mèo.

Quản Bạ là huyện vùng cao biên giới phía Bắc và cũng là một trong 6 huyện nghèo của Hà Giang được thụ hưởng các chính sách theo Nghị quyết 30a của Chính phủ. Thực hiện Đề án Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, huyện Quản Bạ đã đạt nhiều kết quả khả quan. Trong đó, phát huy hiệu quả liên kết trồng, chế biến dược liệu biến nơi đây dần trở thành huyện tiên phong của tỉnh Hà Giang đưa cây dược liệu thành cây xóa đói, giảm nghèo.

11-54-02_2_phu_nu_nguoi_do_thon_nm_dm_thu_hoch_cy_duoc_lieu
Phụ nữ người Dao ở thôn Nặm Đăm, xã Quản Bạ thu hoạch dược liệu

Theo chân cán bộ phòng Nông nghiệp huyện, chúng tôi đến với thôn Nặm Đăm của xã Quản Bạ, địa phương có mô hình Làng Văn hóa du lịch kết hợp sản xuất chế biến dược liệu nổi tiếng. Làng Nặm Đăm có tổng diện tích tự nhiên 458ha với 51 hộ, 100% người dân tộc Dao. Nơi đây có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển nông nghiệp, du lịch như: Đất đai màu mỡ; nhiều nhà trình tường truyền thống; có khu chế biến dược liệu…

Đến thăm hợp tác xã (HTX) cộng đồng Nặm Đăm, xã Quản Bạ – HTX đang hoạt động rất hiệu quả trong khâu liên kết sản xuất và chế biến dược liệu. Từ năm 2015 trở về trước, HTX chủ yếu trồng và sơ chế dược liệu tươi hoặc nấu thành cao lỏng bán. Nhưng hiện nay, HTX đã chế biến thành phẩm được gần 10 loại thuốc, thực phẩm chức năng từ dược liệu.

11-54-02_1_cnh_dong_trong_duoc_lieu_ti_x_quyet_tien
Người dân xã Quyết Tiến chăm sóc cây dược liệu

Giám đốc HTX Cộng đồng Nặm Đăm, Lý Tà Dèn cho biế HTX đã được Bộ Y tế cấp phép cho sản xuất và đưa ra thị trường nhiều loại sản phẩm, như: Cao mạnh gân cốt, cao Atiso, trà gừng, bổ khí ích não, cao đương quy, cồn xoa bóp… Ngoài ra, HTX còn có các bài thuốc tắm lá được khách du lịch hết sức ưa chuộng. Doanh thu 6 tháng đầu năm 2018 ước tính đạt khoảng 1 tỷ đồng.

Cũng là chuyện về cây dược liệu nhưng đối với Vàng Thìn Nghì, Phó giám đốc HTX Y học bản địa Quyết Tiến (thôn Đông Kinh, xã Quyết Tiến, huyện Quản Bạ) nguời được mệnh danh “Vua dược liệu Quản Bạ” lại có cách làm khác. Vàng Thìn Nghì không những phát triển kinh tế gia đình mà còn góp phần giải quyết việc làm cho nhiều lao động tại địa phương.

Anh cho biết: Từ năm 2013, anh mạnh dạn chuyển đổi 3ha đất nông nghiệp sang trồng cây dược liệu, đến năm 2016 tiếp tục vay vốn để thuê đất liên kết trồng 15ha dược liệu chủ yếu là đương quy. Giá bán đương quy tươi khoảng 50 nghìn đồng/kg. Thu hoạch đến đâu đều được thương lái dưới xuôi lên tận ruộng thu mua hết. Tiền thu được từ bán dược liệu từ đầu năm đến nay ước tính trên 1,5 tỷ đồng, qua đó bảo đảm cho khoảng 35 công nhân người địa phương có việc làm liên tục với mức thu nhập gần 4,5 triệu đồng/người/tháng.  

Xây dựng thương hiệu dược liệu bản địa

Ông Phạm Ngọc Pha, Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Quản Bạ chia sẻ: Quản Bạ hiện có khoảng gần 2.700ha dược liệu, trong đó: Thảo quả chiếm tầm 70%, còn lại là atiso, đương quy, đan sâm, hương thảo, gừng, nghệ… Thực hiện tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, huyện Quản Bạ đặt mục tiêu đến năm 2020, tổng diện tích cây dược liệu đạt 3.000ha; trong đó, diện tích chuyên canh đến năm 2020 đạt 500ha, tạo ra một số sản phẩm dược liệu có nhãn hiệu hàng hóa như atiso, đương quy, bạch chỉ…

11-54-02_5_cn_bo_phong_nong_nghiep_qun_b_huong_dn_chm_soc_duoc_lieu
Cán bộ phòng Nông nghiệp huyện kiểm tra tình hình sinh trưởng của cây đương quy tại vườn dược liệu của anh Vàng Thìn Nghì

“Diện tích các loại cây dược liệu ngày càng tăng, giá trị sản phẩm được nâng cao qua đó tạo việc làm và tăng thu nhập cho hàng nghìn lao động địa phương. Mối liên kết 4 nhà trong phát triển sản xuất dược liệu được hình thành thông qua việc thành lập các HTX, tổ hợp tác vệ tinh trong phát triển dược liệu”, ông Pha cho biết thêm.

Cùng chung niềm trăn trở với mục tiêu xây dựng thương hiệu dược liệu quê hương được biết đến rộng rãi không chỉ trong nước và còn cả quốc tế, anh Nghì ấp ủ dự định xây dựng một nhà máy sơ chế, chế biến dược liệu ngay tại Quản Bạ.

“So về giá sản phẩm giữa đương quy khô và tươi ta sẽ thấy chênh lệch từ 6 đến 8 lần. Muốn sấy dược liệu bảo đảm chất lượng đòi hỏi phải có dây chuyền hết sức hiện đại vốn đầu tư lên đến nhiều tỷ đồng, với HTX như chúng tôi đó là quá sức. Hi vọng huyện, tỉnh sẽ sớm mời gọi được các doanh nghiệp có tâm, có tầm đầu tư vào khâu quan trọng này”, anh Nghì tâm sự.

Trên những cánh đồng tại Quản Bạ, màu xanh bạt ngàn của dương quy, atiso… đang dần thay thế các cây trồng truyền thống kém hiệu quả như lúa, ngô. Cái được lớn nhất đó là chính quyền và nhân dân nơi đây đã chọn hướng đi đúng khi dần thay đổi tư duy canh tác, chuyển dịch cơ cấu cây trồng để đem lại lợi nhuận cao.

11-54-02_4_vuon_uon_cy_duoc_lieu_cu_nh_ly_t_den
Vườn ươm cây dược liệu của anh Lý Tà Dèn (thôn Nặm Đăm, xã Quản Bạ)
11-54-02_6_cy_duong_quy_pht_trien_tot_ti_qun_b
Cây đương quy phát triển tốt tại huyện Quản Bạ

Viết bình luận