Năm nào cũng vậy, khoảng tháng 9, 10 âm lịch, vú sữa đầu mùa Vĩnh Kim cũng có giá khoảng 280 ngàn đồng/chục (một chục: 12 trái, khoảng 3-4kg). Tùy theo cân nặng của trái, nhưng tính bình quân 1 trái cũng có giá từ 20 - 30 ngàn đồng.
Vú sữa nâu trước mùa hiện còn ít, lại to và nặng cân nên giá có đắt hơn, đến 360 ngàn đồng/chục. Ở thành phố Hồ Chí Minh, tại các sạp bán trái cây đường Nguyễn Tri Phương, vú sữa nâu khoảng 4 trái/kg, có giá 190.000 đồng/kg.
Vú sữa ở Vĩnh Kim (Tiền Giang) nổi tiếng là vú sữa Lò Rèn. Có 3 loại vú sữa Lò Rèn: vú sữa hột gà, vú sữa trắng, vú sữa xanh. Hai loại đầu được khách hàng ưa chuộng hơn. Cây vú sữa có tuổi thọ rất cao, khoảng 60 năm. Cây vú sữa tơ trưởng thành 10 - 15 năm tuổi, cho trái “3 người hái 1 ngày không hết”, khoảng 4, 5 thiên (ngàn) trái; tính trọng lượng cũng trên 1 tấn/cây. Cây vú sữa trưởng thành còn có ưu điểm cho trái lớn, loại 1. Trái loại 1 có cân nặng trung bình khoảng 300 gr/trái.
Còn vì sao gọi “Lò Rèn” thì được ông Phạm Ngọc Lộc (Sáu Lộc), một lão nông có vườn vú sữa Lò Rèn 60 năm tuổi, giải thích: “Gọi là vú sữa Lò Rèn vì trước đây do một ông chủ lò rèn xin ở đâu được một nhánh vú sữa về trồng, đến khi cây cho trái, nào ngờ trái ngon, nên người dân Vĩnh Kim xin chiết nhánh về trồng. Từ đó, vú sữa ở vùng Vĩnh Kim có thương hiệu Lò Rèn”. Với 3 công đất trồng vú sữa, tuy cây vú sữa vườn ông Sáu Lộc đã lão, ông vẫn kiếm được trung bình khoảng 50 triệu/mùa/năm. Tính bình quân mười mấy triệu/công.
Mùa vú sữa vào khoảng tháng 11 âm lịch tới tháng 2 năm sau. Vú sữa nghịch mùa không nhiều, cũng không có giá trị, vì trái bị sượng, không ngon. Về chuyện cây vú sữa cho trái trước mùa, ông Sáu Lộc cho biết thêm: “Cây vú sữa cho trái đúng theo chu kì. Vườn nào sớm thì năm sau cũng sớm; vườn nào trễ thì năm sau cũng trễ. Không thể bón thúc được đâu. Cây vú sữa sẽ giảm tuổi thọ rất mau. Hiện nay, chắc do phân thuốc bị lạm dụng mà cây vú sữa không còn tuổi thọ cao. Cây mới hai, ba chục năm đã chết rồi”.
Vú sữa Vĩnh Kim rất dễ bán. Vào mùa cũng không sợ dội chợ, chỉ giảm giá. Tới mùa vú sữa, thương lái đến mua rất nhiều; người, xe nườm nượp, không khác gì những ngày hội. Xe đò từ vùng quê Vĩnh Kim đi thành phố Hồ Chí Minh chở bạn hàng cả đêm. Như hiện giờ, do nhu cầu đi lại của dân kinh doanh vú sữa mà đến 9, 10 giờ tối mới hết xe về thành phố.
Việc mua bán vú sữa ở Vĩnh Kim diễn ra cả ngày: sáng sớm đến 8, 9 giờ, nhà vườn từ các xã lân cận Vĩnh Kim, như: Bàn Long, Long Hưng, Dưỡng Điềm, Hữa Đạo, Song Thuận, Mỹ Long… đem trái cây, vú sữa ra các chợ vựa ở Vĩnh Kim bán. Sau thu mua, chủ vựa sẽ tuyển lựa, phân loại, lau trái, rồi lót lá vô thùng, đóng thùng cho tới 5 giờ chiều. Sau 5 giờ, xe tải vào Vĩnh Kim lên hàng đến khuya hoặc cả đêm tùy vào lượng trái cây nhiều hay ít.
Hiện nay có nhiều nhà vườn ở vùng Vĩnh Kim và các xã lân cận đăng kí trồng vú sữa theo tiêu chuẩn Global Gap. Có một số hộ đã đạt được tiêu chuẩn này. Hi vọng, rồi đây trái vú sữa Vĩnh Kim sẽ có được thương hiệu quốc tế để đi xa hơn đến các nước. Tuy nhiên, việc vận chuyển loại trái cây này rất khó khăn, vì vỏ mềm dễ bị bầm giập.
Vĩnh Kim không còn giữ vị trí quán quân về sản lượng vú sữa Lò Rèn, nhưng vẫn còn là trung tâm thương mại của loại trái cây này.
Hi vọng Vĩnh Kim vẫn luôn phát huy được vai trò của một chợ đầu mối trái cây Nam Bộ; đồng thời, bà con nông dân Vĩnh Kim cũng mong mỏi các nhà khoa học có hướng cải tạo đất trồng và cách giải quyết nguồn nước để cây vú sữa vẫn luôn xanh tốt trên vùng đất mà họ đã có kinh nghiệm cha truyền con nối này.
Bây giờ, tại Vĩnh Kim vú sữa cổ thụ đã chết dần mà khi cây chết thì không thể trồng vú sữa lại trên đất đó được. Theo một số nhà vườn, vùng Vĩnh Kim không còn nước phù sa hàng năm về bồi đắp; hơn nữa, đất đã hết dưỡng chất, nên không còn thích hợp cho cây vú sữa. Những vùng đất mới xung quanh Vĩnh Kim, nếu trồng vú sữa thì lại tốt hơn.
Cây vú sữa Vĩnh Kim chết nhiều bởi hai căn bệnh phổ biến: thối rễ, khô cành. Với các căn bệnh này, nhà vườn Vĩnh Kim đành chịu bó tay. Họ đoán già đoán non là do nguồn nước không ổn định: khi thì khô hạn, lúc lại ngập úng. Cây vú sữa chỉ thích hợp với việc thủy triều lên xuống thường nhật, mà nước ở Vĩnh Kim không còn được như vậy. Anh Năm Hồng, cán bộ địa phương Vĩnh Kim, cho biết: “Thiếu nước lên xuống mỗi ngày, vú sữa sẽ không tốt; còn dư nước chỉ cần đôi, ba ngày, cây vú sữa sẽ chết. Cây chỉ còn biết đốn làm củi”.
Đất trồng vú sữa Vĩnh Kim không còn nhiều, khoảng 200 ha; hộ trồng vú sữa nhiều nhất cũng chừng 5 công, hộ trung bình 2, 3 công, năng suất bình quân 15 tấn/ha. Tính chung cả xã có sản lượng trung bình 3.000 tấn/năm. Anh Bảy Hồng, nguyên chủ tịch Hội làm vườn địa phương, lại cho biết: “Vĩnh Kim bây giờ chỉ có tiếng chớ không có miếng. Vú sữa bây giờ nhiều là ở các vùng xung quanh Vĩnh Kim, các xã nằm ven sông Tiền, nước sông lên xuống hàng ngày nên cây tốt, trái nhiều mà lại rất to”.
Bao Nong Nghiep Viet Nam
Viết bình luận