Ông Đinh Văn Cư, cán bộ văn phòng UBND xã Sơn Thủy, huyện Sơn Hà, tỉnh Quảng Ngãi cho biết: “Bà con đang mong nhà máy cấp ngọn mía để trồng, trồng mía thì được nhà máy lo hết, bà con chỉ làm cỏ, bón phân”.
Ở vùng cao Quảng Ngãi từng trồng mì bạt ngàn, giờ quay lại thời của mía.
nh Đinh Văn Bích cho biết, nhiều nhà trúng mía nên đã xuống tận TP Quảng Ngãi để mua xe máy |
Con đường lên huyện Sơn Hà, đoạn chạy dọc dòng sông Re chở nặng phù sa đã xuất hiện những cánh đồng mía bạt ngàn. Toàn huyện đã phát triển được 350 ha mía.
“Đồng bào bây giờ đã thích trồng mía hơn cây mì”, đó là chuyện của cán bộ xã nói. Còn ý dân thì sao? Tôi xác thực điều này bằng cách đi hỏi vài người dân về chuyện “chọn mì hay chọn mía” và nhận được câu trả lời: “Trồng mía bây giờ kiếm được tiền, cuối năm mua được xe tay ga, ét xen tơ, mua giàn karaoke, uống bia Dung Quất” (ét xen tơ là xe Exciter tay côn của Yamaha).
Xe máy – hát hò và uống bia Dung Quất là “tam khoái” của người dân vùng cao Quảng Ngãi. Nói như vậy là bụng đồng bào đã ưng vì được hưởng lợi từ việc trồng cây mía. Hiện nay, một số địa phương ở Quảng Ngãi cũng như một số tỉnh phía Nam như Bình Thuận, Tây Ninh, sau thời gian nông dân ồ ạt trồng mì, bây giờ bắt đầu quay lại với mía. Cây mía đang trở lại vùng cao vào lúc cây mì đang bắt đầu vãn hồi sau một thời gian rầm rộ phát triển và cây keo lai cũng đang rớt giá. Tốc độ giảm cây này để trồng cây kia được đồng bào thực hiện rất nhanh.
Công ty Cổ phần Đường Quảng Ngãi có 3 nhà máy đường, trong đó có 1 nhà máy dời lên vùng đất An Khê tỉnh Gia Lai để có nguyên liệu từ những cánh đồng lớn. Hai nhà máy ở lại Quảng Ngãi từ năm 2011 và phải luôn phải xoay xở với bài toán cạnh tranh “mía, mì” để có nguyên liệu sản xuất. Năng suất của nhà máy đường Phổ Phong là 2.000 tấn/ngày, nhu cầu nguyên liệu khoảng 230.000 tấn mía cây. Trong khi diện tích trồng mía ở Quảng Ngãi trong những năm qua liên tục bị thu hẹp (năm 2002 là 9.400ha, năm 2010 tụt xuống còn 5.800 ha).
Ở nhiều nơi, cây mì trở thành đối thủ hạng nặng đánh bại mía, bởi mỗi năm canh tác mì được 2 vụ, trong khi mía chỉ 1 vụ. Năm 2010 là thời điểm giá củ mì lên cao nhất là 1.600 đồng/kg, nông dân tính toán có thể thu lãi ròng khoảng 30 triệu đồng/ha. Cây mì được đánh giá là có triển vọng tốt và lâu dài, vì có đầu ra nhờ các nhà máy tinh bột mì, nhất là nhà máy nhiên liệu sinh học sản xuất xăng E5 từ sắn lát khô công bố rầm rộ... Nhưng rồi các dự án xăng củ mì trị giá 5.400 tỷ chết yểu đã làm cho nông dân tiêu tan hy vọng nên quay lại với cây mía. Bên cạnh đó là sau 3 năm trồng mì, đất bắt đầu bị hoang hóa bạc màu.
Sự trở lại của mía có điều gì mới mẻ? Đó là cán bộ Công ty CP Đường Quảng Ngãi đến từng xã tổ chức họp dân và cam kết với đồng bào: “Mía làm ra là thu mua hết. Mình hỗ trợ phân, giống, máy cày, máy trồng. Chữ đường sẽ lấy tại ruộng. Thu mua sát giá thị trường. Xe chở mía đến tận nhà nên không cần thuê công vận chuyển”. Anh Đinh Xuân Bích, cán bộ thôn cho biết, hiện nay bà con đều tổ chức trồng mía theo nhóm hộ để tăng năng suất. 18 ha ở thôn thì giao cho thôn trưởng làm trưởng nhóm. Mỗi khi đi làm cỏ, rải phân thì gọi là làng cùng đi làm. Đám mía nào chưa tốt thì kiểm tra và nhắc bà con bón phân cho tốt. Vì vậy phần lớn mía đều phát triển ổn định và mang lại thu nhập cao. Bà con có tiền nuôi con học đại học, mua được xe ét xen tơ chở được nhiều người lội sông suối và lên nương rẫy.
Hiện nay trên vùng cao của tỉnh Quảng Ngãi, như Ba Tơ trồng được 800 ha mía từ nhiều năm qua và hiện nay đang mở rộng, tại huyện Sơn Hà trong 3 năm qua đã phát triển được 350 ha; 2 huyện Minh Long và Trà Bồng chưa phát triển mạnh. Để cây mía mang lại thu nhập cao cho nông dân thì còn phải hướng đến sản lượng. Nhưng năm trước đây, nông dân thường chỉ đạt ngưỡng dưới 60 tấn/ha. Chuyện 100 tấn/ha trong tương lai không phải là chuyện xa vời. Như cánh đồng Miếu ở xã Phổ Nhơn, huyện Đức Phổ, có năng suất 95 tấn/ha, chữ đường 10,5; tại Sông Hinh (Phú Yên) trồng giống mía cao sản R579, R570, đạt 100 tấn/ha. Anh Phan Thông, cán bộ kỹ thuật của Công ty CP Đường Quảng Ngãi quản lý địa bàn huyện Sơn Hà cho biết, hiện nay cánh đồng Diêu tại huyện Sơn Hà đã đạt 80 – 90 tấn/ha.
Những hộ dân có thu nhập cao tại địa phương và thường được đồng bào nhắc tên ở huyện Sơn Hà, đó là ông Nguyễn Văn Chuyển thuê 70 ha đất trồng mía, bình quân mỗi năm thu được 200 triệu đồng, nếu canh tác tốt thì có thể thu được 260 triệu đồng. Ông Đinh Văn Niết thuê 25 sào đất, mùa đầu tiên thu về được 100 tấn mía chất đầy 5 xe. Ông Niết đưa ra một xe để trừ hết tiền mượn giống, phân, còn lại lãi được 4 xe. Bà con trầm trồ vì gia đình ông Niết đã có nhà cửa khang trang, mua được 3 xe máy, trong đó có ét xen tơ.
Ông Trần Đức Triều, Phó giám đốc phụ trách nguyên liệu nhà máy đường Phổ Phong, cho biết, để cánh đồng mía có thu hoạch cao thì phải sử dụng cơ giới, bên cạnh đó là bà con bón phân đúng quy định, quan trọng nhất vẫn là giống. Hiện nay Nhà máy đang khảo nghiệm một số giống mới có sản lượng rất cao, kháng được sâu bệnh và sẽ cấp cho nông dân.
Viết bình luận