Xuất khẩu sầu riêng bùng nổ, nhắm mốc 3,5 tỷ USD

Nửa đầu năm nay, xuất khẩu sầu riêng đã đạt khoảng 1,5 tỷ USD. Dự kiến cả năm có thể đạt 3,5 tỷ USD, bằng xuất khẩu rau quả cách đây vài năm.

Thu hoạch sầu riêng ở ĐBSCL. Ảnh: Thanh Sơn.

Thu hoạch sầu riêng ở ĐBSCL. Ảnh: Thanh Sơn.

Vào nhóm hàng tỷ đô nhờ sản lượng tăng

Rau quả là một trong những mặt hàng nông sản chủ lực có sự tăng trưởng ấn tượng trong nửa đầu năm nay. Thông tin từ Tổng cục Hải quan cho thấy, 6 tháng đầu năm, xuất khẩu rau quả đạt 3,33 tỷ USD, tăng 24,3% so với cùng kỳ năm ngoái.

Trong thành công của xuất khẩu rau quả, có sự đóng góp rất lớn của sầu riêng. Trong 5 tháng đầu năm nay, xuất khẩu sầu riêng đã đạt 919 triệu USD, tăng 74% so với cùng kỳ năm 2023. Ước tính trong nửa đầu năm, xuất khẩu sầu riêng đạt khoảng 1,5 tỷ USD. Như vậy, chỉ sau nửa năm, sầu riêng đã lọt vào nhóm sản phẩm xuất khẩu trên 1 tỷ USD.

Xuất khẩu sầu riêng tăng mạnh trong nửa đầu năm nay, trước hết là nhờ sản lượng sầu riêng dồi dào hơn so với cùng kỳ năm ngoái. Ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam (Vinafruit), cho biết, nông dân các tỉnh ĐBSCL như Tiền Giang, Vĩnh Long… đã đẩy mạnh sản xuất sầu riêng trái vụ, qua đó giúp tăng đáng kể sản lượng trong nửa đầu năm nay. Theo Cục Trồng trọt, hiện có khoảng 50-60% diện tích sầu riêng ở ĐBSCL đang làm trái vụ.

Bên cạnh đó, thời tiết bất lợi khiến sản lượng sầu riêng giảm mạnh ở Thái Lan, tạo thêm cơ hội thị trường cho sầu riêng Việt Nam.

Tổng cục Hải quan Trung Quốc cho biết, trong 4 tháng đầu năm nay, sầu riêng nhập khẩu vào Trung Quốc chỉ đạt hơn 202 nghìn tấn, giảm tới 35,2% so với cùng kỳ năm ngoái. Sầu riêng nhập khẩu giảm không phải do nhu cầu tiêu thụ giảm mà do nguồn cung từ Thái Lan bị giảm mạnh.

Bị hụt nguồn cung từ Thái Lan, nhiều thương nhân Trung Quốc đã chuyển mạnh sang mua sầu riêng Việt Nam. Vì vậy, 4 tháng đầu năm nay, trong khi sầu riêng Thái Lan nhập khẩu vào Trung Quốc giảm tới 55,2% về lượng, thì sầu riêng Việt Nam lại tăng tới 91,4% (đạt 79 nghìn tấn). Thị phần của sầu riêng Việt Nam nhờ vậy tiếp tục tăng mạnh và đạt khoảng 40% trong 4 tháng đầu năm (trong năm 2023, sầu riêng Việt Nam chiếm 35% tổng lượng sầu riêng nhập khẩu của Trung Quốc).

Hướng tới mục tiêu 3,5 tỷ USD

Điều đáng chú ý là đóng góp vào 1,5 tỷ USD xuất khẩu sầu riêng trong nửa đầu năm, chủ yếu là sầu riêng trái vụ ở ĐBSCL, cộng với một phần sầu riêng chính vụ của khu vực này và sầu riêng ở Duyên hải Miền Trung, Đông Nam bộ. Điều này đồng nghĩa với việc còn một sản lượng lớn sầu riêng, nhất là sầu riêng ở Tây Nguyên, sẽ tham gia xuất khẩu trong nửa cuối năm.

Sầu riêng ở Tây Nguyên. Ảnh: Thanh Sơn.

Sầu riêng ở Tây Nguyên. Ảnh: Thanh Sơn.

Theo ông Nguyễn Quốc Mạnh, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt, diện tích sầu riêng trên cả nước hiện khoảng 150 nghìn ha, trong đó, một nửa nằm ở Tây Nguyên (hơn 75 nghìn ha).

Sầu riêng hiện đang được trồng ở 4 khu vực là ĐBSCL, Đông Nam Bộ, Duyên hải Miền Trung và Tây Nguyên, với thời gian thu hoạch sầu riêng chính vụ kéo dài từ tháng 4 đến gần cuối năm.

Cụ thể, các tỉnh ĐBSCL bước vào thu hoạch sầu riêng chính vụ từ tháng 4 đến tháng 8. Cũng từ tháng 4, các tỉnh Duyên hải Miền Trung là Bình Thuận và Khánh Hòa thu hoạch sầu riêng và kéo dài đến tháng 6. Từ tháng 5 đến tháng 7, là thời điểm thu hoạch sầu riêng ở Đông Nam bộ.

Ở Đắk Nông, thời gian thu hoạch sầu riêng từ tháng 7 đến tháng 9. Đắk Lắk cũng thu hoạch sầu riêng từ tháng 7 nhưng kéo dài đến tháng 10. Gia Lai và Kon Tum vào vụ muộn hơn, đến tháng 9 mới thu hoạch và kết thúc vào tháng 10. Lâm Đồng là tỉnh thu hoạch sầu riêng muộn nhất, vào tháng 10 và tháng 11.

Như vậy, có thể thấy, trong nửa cuối năm nay, xuất khẩu sầu riêng sẽ tiếp tục sôi động khi các tỉnh Tây Nguyên bước vào thu hoạch sầu riêng. Ngoài sầu riêng Tây Nguyên, nhiều diện tích sầu riêng ở ĐBSCL thu hoạch chính vụ trong tháng 7, tháng 8. Rồi từ tháng 9 đến hết năm, sầu riêng ở ĐBSCL lại cho thu hoạch trái vụ (thời gian làm sầu riêng trái vụ ở ĐBSCL kéo dài từ tháng 9 năm nay đến tháng 3 năm sau). Ngoài ra nguồn cung còn được bổ sung từ sầu riêng ở Đông Nam bộ.

Sản lượng sầu riêng Việt Nam đang tăng lên cũng là yếu tố quan trọng để gia tăng kim ngạch xuất khẩu sầu riêng. Ông Đặng Phúc Nguyên cho biết, nhiều diện tích sầu riêng được trồng từ 5-6 năm trước, năm nay bắt đầu bước vào thu hoạch. Do đó, ước tính sản lượng sầu riêng Việt Nam trong năm nay sẽ tăng 15-20% so với năm 2023.

Với việc tăng sản lượng trên cả nước và hơn một nửa diện tích sầu riêng được thu hoạch từ tháng 7 đến tháng 11, xuất khẩu sầu riêng trong nửa cuối năm nay được kỳ vọng sẽ cao hơn so với nửa đầu năm, qua đó, đưa xuất khẩu cả năm có thể chạm mốc 3,5 tỷ USD, tương đương với xuất khẩu của cả ngành hàng rau quả trong năm 2021.

Thông tin từ một số doanh nghiệp, hợp tác xã cho thấy, nhu cầu thu mua sầu riêng có mã vùng trồng để xuất khẩu sang Trung Quốc đang rất lớn. Bà Đặng Thị Thúy Nga, Giám đốc HTX Thương mại Dịch vụ nông nghiệp Xuân Định (huyện Xuân Lộc, Đồng Nai), cho biết, với 57ha được cấp mã số vùng trong xuất khẩu sang Trung Quốc, trong thời gian qua, HTX đã cung cấp 2.000 tấn sầu riêng cho các doanh nghiệp xuất khẩu. Các doanh nghiệp đối tác của HTX Xuân Định đến từ nhiều vùng miền trên cả nước như Hà Nội, TP.HCM, Tiền Giang… thường xuyên đặt hàng để xuất khẩu.

Giá giảm do cạnh tranh tăng

Giá sầu riêng ở Trung Quốc đang giảm do cạnh tranh tăng. Ảnh: Thanh Sơn.

Giá sầu riêng ở Trung Quốc đang giảm do cạnh tranh tăng. Ảnh: Thanh Sơn.

Có một vấn đề đang được đặt ra là giá sầu riêng nhập khẩu vào Trung Quốc (thị trường tiêu thụ sầu riêng lớn nhất thế giới) đang có xu hướng giảm xuống. Cụ thể, theo Tổng cục Hải quan Trung Quốc, trong tháng 4/2024, giá bình quân sầu riêng nhập khẩu vào nước này là 5,38 USD/kg, thấp hơn đáng kể so với giá bình quân nhập khẩu trong tháng 3/2024 là 5,63 USD/kg. Trong đó, giá bình quân sầu riêng nhập khẩu từ Việt Nam là 4,22 USD/kg, giảm hơn 1 USD/kg so với giá bình quân tháng 3 (5,23 USD/kg).

Giá sầu riêng giảm là do sự cạnh tranh ngày càng mạnh mẽ giữa các nước xuất khẩu sầu riêng vào Trung Quốc, khi mà diện tích và sản lượng sầu riêng ở nhiều nước Đông Nam Á đang tiếp tục tăng lên và có thêm những nước được xuất khẩu sầu riêng tươi sang thị trường này. Trong tháng 6 vừa qua, sầu riêng tươi Musang King của Malaysia đã chính thức xuất khẩu sang Trung Quốc.

Tuy nhiên, ông Đặng Phúc Nguyên cho rằng, giá sầu riêng giảm ở thị trường Trung Quốc không phải là vấn đề đáng lo ngại, vì lâu nay giá sầu riêng ở Trung Quốc vẫn ở mức cao khiến cho nhiều người tiêu dùng chưa thể tiếp cận được. Khi giá sầu riêng giảm xuống, sẽ có thêm nhiều người Trung Quốc có thể mua sầu riêng và sử dụng thường xuyên, dẫn tới nhu cầu nhập khẩu sầu riêng của nước này vẫn sẽ tiếp tục tăng lên.

Các báo cáo nghiên cứu thị trường cho thấy nhu cầu tiêu thụ sầu riêng ở Trung Quốc vẫn đang tiếp tục tăng mạnh. Theo một báo cáo năm 2023 của ngân hàng HSBC, nhu cầu tiêu thụ sầu riêng toàn cầu tăng 400% trong vòng 2 năm, trong đó, Trung Quốc chiếm tới 91% tổng nhu cầu.

Theo Mordor Intelligence, năm 2024, quy mô thị trường sầu riêng tươi toàn cầu là 9,85 tỷ USD. Từ nay đến 2029, thị trường sầu riêng tươi toàn cầu dự báo tăng trưởng 9,4%/năm và đạt quy mô 15,43 tỷ USD vào 2029.

Viết bình luận